Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ bảy, 28/1/2017, 07:31 (GMT+7)

Những người không có Tết ở Sài Gòn

Đêm giao thừa, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tại nhiều góc phố ở trung tâm Sài Gòn vẫn có những người lặng lẽ cho một cuộc mưu sinh.

0h20 ngày 28/1 (mùng 1 Tết), bà Huỳnh Thị Kim Hoa, công nhân môi trường vẫn tất bật dọn rác trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận. "Nghề của tôi ngày Tết cũng như ngày thường, mỗi tối 2-3 lần dọn rác trên tuyến đường này. Tết này, có lẽ 3-4h sáng mới về tới nhà", bà Hoa tâm sự.

Một gia đình đi chơi Tết trên đường Nguyễn Văn Trỗi mừng tuổi năm mới cho bà Hoa. "Công việc suốt ngày ngoài đường nên chúng tôi không có thì giờ để đón giao thừa. Song bù lại, sự quan tâm của những người đi đường là một niềm vui đối với chúng tôi", bà Hoa chia sẻ.

Gần 1h mùng 1 Tết, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thành (quê Nam Định) vẫn ráng bán những trái bóng bay trên đường Trường Sơn (quận Tân Bình). "Tết này, bán ế lắm nên vợ chồng tôi chẳng dám về quê. Cứ nghĩ Tết nhất sẽ bán được nhiều nên hai vợ chồng cố đợi chút nữa rồi về phòng trọ ở Hóc Môn", anh Thành giãi bày.

Tương tự, vợ chồng chị Duyên (quê Quảng Ngãi) cũng ngồi chờ khách mua bóng bay. "Đây là năm đầu tiên tôi xa quê nên cảm giác khó tả lắm. Thường ngày tôi bán vé số, giao thừa bán thử món này", chị Duyên chia sẻ.

"Chồng tôi cũng đi bán bong bóng luôn. Một cái 50.000 đồng mình cũng lời được hơn 10.000 đồng. Từ tối giờ tôi cũng bán được 40 cái rồi. Chịu khó tí kiếm thêm thu nhập nuôi hai đứa con ăn học", chị Duyên tâm tư.

1h, ông Phạm Bảy (quê Phú Yên) lóc cóc vác túi đồ được tặng trong đêm giao thừa trở về phòng trọ trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận. Ông cho biết đã làm nghề bán vé số hơn chục năm ở Sài Gòn. "Tết này tui không về quê vì không có tiền, nhưng cũng vui vì đêm giao thừa được người ta cho đồ quá trời", ông Bảy cười, nói.

Đêm giao thừa, ông Vũ vẫn đi nhặt mấy chai lọ trong các thùng rác để bán ve chai. "Chỉ có đêm 30 là còn nhiều người ăn uống nên dư ra mấy cái chai, tôi nhặt về tích cóp dần. Làm nghề này hơn 10 năm rồi, năm nào Tết cũng đi làm”, ông bộc bạch.

Trên đường Trần Văn Đang (quận 3), sau giao thừa, bà An (62 tuổi) lưng đã còng vẫn cố gắng gói những tấm bìa carton về bán ve chai.

"Tôi ngồi trước cổng chùa từ tối giờ mà ế quá, họ bận đi lễ lạt nên chẳng ai mua vé số", ông Hon (65 tuổi) buồn rầu.

Ăn vội bát mì tôm, ông Lương Huy Kíp (quận Tân Phú) tiếp tục chờ khách. "Sau giao thừa người ta đi đường đông, mình nán lại chờ sửa xe. Kiếm ngày Tết thu nhập không cao hơn ngày thường nhưng công việc của mình thì cứ phải làm thôi", ông Kíp nói.

Quỳnh Trần - Thành Nguyễn