Thứ tư, 22/1/2025
Chủ nhật, 23/10/2016, 13:10 (GMT+7)

Những loại bom sát thương mạnh nằm trong lòng đất

Bom bi hình dứa, cam, ổi... bắt mắt nhưng lực sát thương lớn, gây nguy hiểm tính mạng con người khi chưa được xử lý.

Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) mới khánh thành tại xã Thạch Hòa (Thạch Thất, Hà Nội). Công trình có tổng diện tích 52.000 m2 gồm nhiều hạng mục như nhà chỉ huy, nhà hội trường, nhà trưng bày bom mìn, nhà ở chuyên gia, nhà ăn, ký túc xá...

Trung tâm có gian trưng bày bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã được xử lý. Theo thống kê, lượng đạn dược do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là 15,35 triệu tấn. Số lượng bom mìn, vật nổ còn sót lại ước tính 800.000 tấn. Chiến tranh đi qua hơn 40 năm nhưng có 50.000 người chết và 60.000 người bị thương do bom mìn tồn sót.

Bom phát quang có công dụng phát quang nhanh mặt đất, dọn bãi cho trực thăng đổ bộ và bố trí trận địa pháo binh. Quả bom nặng khoảng 6 tấn, dài hơn 3 m chứa khoảng 4 tấn thuốc nổ. Khi bom rơi, ngòi nổ đưa về tư thế chiến đấu, khi chạm đất thì kim hỏa chọc vào hạt nổ gây nổ.

Quả bom trưng bày tại Trung tâm hành động bom mìn quốc gia là quả lớn nhất còn sót lại sau chiến tranh ở Đông Dương, được tìm thấy ở Gia Lai năm 2004. Để vô hiệu hóa, đội xử lý bom mìn gồm những chuyên gia giỏi nhất, dũng cảm nhất của Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn, thuộc Bộ tư lệnh Công binh làm việc suốt một tháng.

Bom BLU - 66, còn gọi là bom bi quả cam, sát thương người bằng mảnh vụn. Khi rời khỏi ống phóng, bom quay đưa ngòi nổ vào tư thế chiến đấu. Khi chạm mục tiêu, kim hoả chọc vào hạt nổ và gây nổ bom. Nhiều trẻ em Việt Nam trở thành nạn nhân của bom mìn sau chiến tranh bởi những "quả cam" bắt mắt này.

Bom bi quả dứa BLU - 3/B có hình trụ màu vàng, đuôi bom có 6 cánh để chỉnh hướng.

Bom bi hình cầu nổ ngay BLU - 26/B còn được gọi là "quả ổi", sản xuất tháng 2/1966, có thể sát thương người trong bán kính 10 m. Thân bom có vỏ bằng kim loại, dày 7mm đúc lẫn 280-300 viên bi đường kính 5mm, bên trong chứa 100g thuốc nổ cyclotol. Hàng trăm "quả ổi" được chứa trong thân bom mẹ. Khi rơi xuống đất một thời gian, ngòi nổ hẹn giờ sẽ làm tách đôi thân bom mẹ và tung những "quả ổi" ra ngoài.

Mìn 652A do Trung Quốc sản xuất, sát thương người bằng uy lực của thuốc nổ trong bán kính một mét. Khi có lực khoảng 5 - 7 kg đè lên mặt, mìn sẽ giải phóng kim hỏa và gây nổ. Loại mìn nhỏ màu xanh lẫn với lá cây rừng nên khó phát hiện, trong chiến tranh gây tổn thất cho bộ đội Việt Nam khi hành quân qua những cánh rừng.

Đạn pháo 175 mm dùng cho pháo tự hành M107. Trong chiến tranh Việt Nam, M107 được mệnh danh là "vua chiến trường", song bị pháo M46 - 130 mm của Quân đội nhân dân Việt Nam hạ bệ trong các chiến dịch Khe Sanh (Quảng Trị), Đường 9 Nam Lào.

Thủy lôi bát giác, còn gọi là mìn trôi 8 cạnh, dùng phá hủy cầu cống, đê đập và mục tiêu dưới nước. Thủy lôi nặng 2 tấn, chứa 180 - 240 kg thuốc nổ C4, do máy bay C130 thả nổi trên mặt nước, trôi dạt theo dòng nước tới mục tiêu.

Tháng 5/1966, lần đầu tiên Mỹ thả mìn trôi ở cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) với ý định đánh sập cây cầu huyết mạch của xứ Thanh. Bộ đội công binh Việt Nam phát hiện và xử lý cách cầu Hàm Rồng 800 m.

Đuôi bom M118 - loại bom phá hoại công trình, sát thương người, vật trên mặt đất hoặc khoan sâu xuống đất phá huỷ các công trình ngầm.

Ngoài các loại bom mìn trong chiến tranh, trung tâm còn trưng bày các mô hình bom khủng bố hiện đại, sử dụng ngòi điện thoại di dộng, ngòi điều khiển từ xa, ngòi hẹn giờ chống tháo gỡ.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng tham quan gian trưng bày. Ông nhắc lãnh đạo, cán bộ Trung tâm hành động bom mìn quốc gia phải chủ động tham mưu, đề xuất các kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn an toàn, hiệu quả; chú trọng hợp tác quốc tế, xây dựng nội dung huấn luyện, rà phá bom mìn, sớm đưa đất nước thoát khỏi ô nhiễm bom mìn và không còn tai nạn vì bom mìn sau chiến tranh.

Hoàng Phương