Thứ năm, 28/3/2024
Thứ ba, 16/8/2016, 14:22 (GMT+7)

Nhóm thợ săn chuẩn bị đối mặt trâu dữ để dồn vào bẫy

Được gia hạn thêm 5 ngày để bắt 7 con trâu hoang, nhóm thợ săn lên phương án đối mặt trực tiếp với trâu dữ nhằm đẩy đuổi trâu vào nơi đặt bẫy.

Sáng 16/8, nhóm thợ săn 4 người tiếp tục có mặt ở khu vực rừng cao su (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) để bố trí hệ thống bẫy trâu. Ông Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho hay sau “chiến tích” bắt được 2 con trâu, nhóm thợ này được gia hạn thêm 5 ngày (đến 20/8) để bắt 7 con trâu hoang còn lại.

Gần 50 bẫy đặt từ 10 ngày trước được nhóm thợ tháo dỡ, đặt sang khu vực khác. “Đàn trâu rất tinh khôn, đã nhận biết khu vực đặt bẫy cũ nên tránh qua lại, dù trước đây trâu thường nằm cả ngày đêm ở đây”, ông Lê Minh (Trưởng nhóm thợ săn) nói.

Một nhóm bẫy được neo bằng cọc sắt phi 20cm, dài khoảng 1,2 mét đóng sâu xuống đất. Do khu vực đặt bẫy đất nhão nên nhóm thợ săn đóng thêm cọc gỗ để giữ cọc neo.

Sau đó, 3 sợi cáp phi 10 được siết chặt bằng vít vào cọc néo. Lần này, các thợ săn đặt bẫy riêng lẻ ở nhiều địa điểm, không tập trung một nơi như trước.

Bên trên ổ bẫy, một sợi cáp được siết thành thòng lọng, hố bẫy tròn sâu cỡ 30 cm. Ở hố bẫy còn có một bàn chông hình chóp nón đặt bên dưới sợi cáp. Bố trí xong bẫy, thợ săn dùng cây rừng, lá cây và phủ đất lên trên để ngụy trang.

Ông Minh cùng con trai làm nghề bẫy trâu đã 10 năm. Ban đầu, bẫy được chế bằng thòng lọng neo vào cây cao, uốn cong xuống đất, nhưng bẫy này không hiệu quả. Sau nhiều lần cải tiến, chiếc bẫy hiện dùng được cho là hiệu quả nhất.

Khu vực đặt bẫy được lựa chọn là nơi trâu ăn nghỉ, nằm ngủ hay tắm mát. Ông Minh cho hay đàn trâu này trở nên hung dữ một phần vì từng bị nhiều người đánh bẫy. Trong ảnh là một khu vực đặt bẫy nằm cạnh hồ nước, nơi đàn trâu thường tắm.

Hiện đàn trâu lẩn trốn giữa rừng cao su. Xung quanh rừng là hào sâu do công nhân lâm trường đào trước đây, những lối ra vào còn lại được nhóm thợ rào kín để ngăn trâu thoát ra ngoài. Ngoài ra, xung quanh khu vực đặt bẫy, nhóm thợ bố trí nhiều mặt nạ nhựa hình Tôn Ngộ Không để "dọa" trâu. Việc dùng mặt nạ nhựa này lấy từ truyền thuyết Ngưu ma vương bị Tôn Ngộ Không đánh bại trong Tây Du Ký.

Được gia hạn chỉ 5 ngày, nhóm thợ săn xác định nếu trâu không sập bẫy thì từng người trong nhóm sẽ trực tiếp vây ép, lùa đàn trâu về khu vực có bẫy. "Chấp nhận đối mặt với trâu dữ để cố gắng bắt thêm vài con", ông Minh nói. Trước đó, từ ngày 5 đến 15/8, nhóm thợ săn này đã bắt được 2 con trong đàn trâu hoang trên. Ngay sau khi bị bắt, trâu cái đã sinh một con nghé. 

Đàn trâu hoang từng bị nhiều người bẫy bắt
 
 

Hoàng Táo