Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ ba, 30/5/2017, 08:09 (GMT+7)

Người Sài Gòn tấp nập sắm đồ cúng Tết Đoan ngọ

Tết Đoan ngọ trùng vào ngày làm việc nên nhiều người Sài Gòn đã sắm đồ cúng từ trước đó một ngày khiến các khu chợ trở nên nhộn nhịp.

Chiều tối 29/5, tức mùng 4/5 âm lịch, các chợ trên địa bàn TP HCM tấp nập người dân đi mua sắm chuẩn bị cho ngày Tết Đoan ngọ. Món hàng được mua nhiều nhất là bánh ú lá tro. Các hàng quán bán bánh ú san sát nhau ở các chợ, dọc các tuyến đường.

"Năm nay gia đình tôi làm khoảng 2.000 bánh, ngày Tết Đoan Ngọ lại mang ra đây bán. Ở đây có khoảng hơn chục người bán, chủ yếu đến từ huyện Hóc Môn", bà Lựu, bán ở khu mũi tàu Trường Chinh, cho biết.

Đi làm ngang qua chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), chị Nhi (36 tuổi) chọn mua 10 cái. "Bánh ú lá tro là món ăn truyền thống phổ biến không thể thiếu trong dịp Tết Đoan ngọ ở Nam Bộ. Trong lễ cúng không thể thiếu bánh này", chị Nhi chia sẻ.

Bánh chủ yếu có nhân đậu xanh ngọt với lớp nếp bên ngoài. Ngoài ra còn có các loại nhân thịt heo, lạp xưởng, tôm khô và nấm đông cô. Mỗi chùm bánh ú lá tro có 10 cái, giá bán 30.000 - 70.000 đồng tùy theo nhân và trọng lượng.

Cơm rượu nếp cũng được bán rất nhiều trong Tết Đoan ngọ. Ở hầu hết các chợ, tiểu thương tự làm, đựng trong hũ nhỏ chứa được nửa ký cơm rượu. "Tôi phải làm trước đó 5 ngày để cơm kịp lên men. Ở khu vực này khá nhiều người gốc Bắc nên làm đúng kiểu cho dễ bán", chị Ngô Thị Minh (40 tuổi, bán hàng ở chợ Bà Quẹo) cho biết.

Những hộp cơm rượu được làm từ gạo nếp thường và nếp cẩm có trọng lượng nửa ký, với giá bán trung bình 30.000 đồng/nửa ký. Ngoài ra, tại nhiều khu chợ khác có bán cơm rượu nấu theo kiểu miền Nam, bằng cách vo thành từng viên.

Nắm lá xông là một trong những thứ không thể thiếu trong ngày Tết Đoan ngọ của người Sài Gòn. Ở chợ Bà Quẹo (quận Tân Bình), những người bán lá xông nhập hàng từ miền Tây lên bán với giá 10.000 đồng một bó.

Theo phong tục, nhiều người mua lá xông về để xông, tắm hoặc treo trước nhà với mong muốn giết sâu bọ trong cơ thể. Một bó gồm các loại lá như ngải cứu, ổi, bưởi, xả, xương rồng, bạch đàn, ngũ trảo...

Theo quan niệm của ông bà xưa, sau khi các loài sâu bọ trong cơ thể bị cơm rượu nếp "chuốc say", nếu tiếp tục ăn các loại trái cây có vị chua sẽ khiến chúng chết nhanh hơn. "Những loại quả như mận, chôm chôm, vải, xoài... được bán 'chạy' nhất ngày mùng 5/5", chị Nga (tiểu thương chợ Hoàng Hoa Thám) cho hay.

Các gian hàng hoa ở chợ cũng tấp nập kẻ bán người mua. Loại hoa được mua nhiều nhất là hoa cúc vàng.

Bà Hoàng Thị Vinh (88 tuổi) mua nhang đèn ở chợ Bà Hoa (quận Tân Bình). "Năm nào tôi cũng tự tay đi chợ mua đồ cúng về cho cả gia đình theo đúng lễ truyền thống", bà nói.

Tết Đoan ngọ còn được dân gian gọi bằng cái tên dân dã hơn là "Tết giết sâu bọ" vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Cả nhà quây quần ăn những thứ quả chua, rượu nếp, bánh tro... để diệt trừ "sâu bọ", xua đuổi hết bệnh tật...

Quỳnh Trần