Thứ năm, 9/1/2025
Chủ nhật, 26/2/2017, 00:00 (GMT+7)

Người đàn ông ngày chạy xe ôm, tối về làm 'quan'

Cởi bỏ trang phục vua chúa trên sân khấu, ông Thái Hòa (59 tuổi) trở về với công việc chạy xe ôm thường ngày trên quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Nghệ sĩ Thái Hòa, tên thật là Lê Phước Hòa, quê ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ông là thế hệ thứ tư trong gia đình theo nghề hát bội. "Từ nhỏ, tôi được cha, rồi các chú và anh chị ở các gánh hát chỉ dạy. Hát từ năm 1976 đến nay", ông Hòa kể.

Trước khi ra sân khấu, ông không quên cúng tổ để cầu may mắn. "Năm 1985, cha mất, tôi buồn nên nghỉ hát, rồi về huyện Cái Bè làm cán bộ văn hóa được 6 năm. Sau đó, tôi trở lại với gánh hát đến giờ. Mọi thứ giống như nhân duyên tiền định", người nghệ sĩ tâm sự.

Nghệ sĩ Thái Hòa hóa thân vai Thái Dương Thiên Tử Tinh Quân trong vở tuồng cổ Nhật Nguyệt tại đình Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TP HCM).

"Giây phút đứng sau cánh gà xem bạn diễn, chờ tới lượt mình ra sân khấu là hồi hộp nhất", nghệ sĩ 59 tuổi nói.

Khán giả ở đình Phú Nhuận (TP HCM) chăm chú theo dõi vở tuồng cổ Nhật Nguyệt do nghệ sĩ Thái Hòa biểu diễn.

"Thời gian để hóa trang khuôn mặt từ 30-60 phút. Anh em chúng tôi phải tự học và tự trang điểm sao cho nổi bật được hồn cốt và sắc thái của nhân vật", nghệ sĩ Thái Hòa nói.

Nghệ sĩ cho biết mỗi suất diễn vai kép chính, ông nhận được 500.000 đồng. Trung bình mỗi tháng có 2-3 suất diễn. "Thù lao không thấm tháp so với công sức của anh em nghệ sĩ, nhưng tôi vẫn vui vì được sống với nghề", nghệ sĩ trải lòng.

Vừa diễn xong suất diễn lúc 23h, ông vội vã chào bạn diễn, khăn gói đồ đạc từ TP HCM về nhà ở Tiền Giang trong đêm.

Ông Hòa cho biết xe máy là phương tiện đi lại trong hơn 30 năm làm nghề hát bội. "Chuyến lưu diễn bằng xe máy xa nhất của tôi là Bình Thuận và Cà Mau", ông khoe.

Một góc trưng bày ảnh kỷ niệm nghề hát bội của ông tại nhà. "Tôi có hai con nhưng cả hai đều không theo nghề hát", ông Hòa thổ lộ.

Những lúc rảnh rỗi, ông ngồi xem lại những bức tranh vẽ các vai diễn tuồng cổ để ghi nhớ và học cách trang điểm.

Nhiều năm nay, ông Hòa vẫn giữ thói quen nghe lại những vở tuồng cổ trên mạng và viết lời thoại ra giấy để tập luyện tại nhà.

Tối "làm quan", ban ngày ông ngồi chờ khách đi xe ôm trên quốc lộ 1, đoạn qua huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. "Có khi ngồi cả ngày tôi chỉ kiếm được 50.000 đồng. Nhưng phải làm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình và nuôi nghiệp hát", ông Hòa nói.

Thành Nguyễn