Thứ ba, 19/3/2024
Thứ tư, 26/7/2017, 00:00 (GMT+7)

Người đàn ông 27 năm theo nghề câu lươn

Mỗi ngày ông Sơn mang theo bộ đồ câu lươn nhỏ gọn chỉ gồm móc câu, dây cước..., đến các cánh đồng để mưu sinh.

Ông Nguyễn Cao Sơn, 54 tuổi, ở Phúc Lâm, Phúc Tuyến, Phú Xuyên ( Hà Nội) đã có 27 năm mưu sinh bằng nghề câu lươn.

Ông kể: "Tôi đi lính ở Hoàng Liên Sơn, ra quân năm 1989. Thời gian trong quân ngũ, những lúc rảnh rỗi được đại đội trưởng truyền kinh nghiệm bắt lươn và theo nghề này sau đó". 

Hiện mỗi ngày ông Sơn có thể câu được vài ba cân lươn, ngày gặp may lên đến cả chục cân; giá của loại lươn tự nhiên này khoảng 100 nghìn đồng mỗi cân.

Mồi dùng để câu lươn, nhử lươn thường là giun và tép nhỏ.

 

Dụng cụ câu lươn chỉ gồm móc câu, dây cước, xô đựng lươn và một chiếc gậy đuổi lươn.

Người thợ móc mồi tôm, cuốn đoạn dây cước vào ngón tay.

"Lươn là loài tham ăn nên khi phát hiện có mồi chúng đớp ngay", ông nói.

Khi phát hiện ra tổ lươn, người thợ sẽ dẫm mạnh và dùng gậy đâm sâu xuống vị trí cách tổ khoảng 20 cm. Nếu thấy tăm sủi lên, tăm đầu lớn hơn tăm sau thì trong đó đang có lươn.

Những cánh đồng cỏ mọc um tùm ở các vùng nông thôn Hà Nội là nơi có nhiều lươn. Cùng với đi câu, ông Sơn còn đặt thêm bẫy ống.

Khi thấy đám bọt sủi đầy mặt nước, người thợ sẽ khoanh tạo cửa và thả mồi.

Buổi sáng, người thợ đi câu đến 9h, chiều từ 17h. Nắng gắt càng sớm càng thuận lợi cho việc câu lươn.

Để câu được những con lươn to, nhiều khi người thợ phải kiên nhẫn trong 2 giờ đồng hồ mới đưa lươn ra khỏi hang.

Ông Sơn nói lươn tự nhiên thơm ngon hơn lươn nuôi nên "câu được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu".

"Một trong những hiểm nguy của nghề câu lươn là gặp rắn, nhất là nơi đất ruộng bỏ hoang lâu ngày, cây cỏ mọc cao thường có rắn cạp nong", ông Sơn chia sẻ.

Ngọc Thành