Thứ sáu, 3/1/2025
Thứ ba, 15/3/2016, 00:19 (GMT+7)

Lễ hội Giằng Bông náo nhiệt Sơn Đồng

Hàng trăm trai tráng lao vào giành nhau cây bông làm bằng gỗ để cầu mong may mắn trong năm mới.

Lễ hội được tổ chức đều đặn vào ngày 6 tháng 2 âm lịch hàng năm, tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội.Trai làng ai nấy đều chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ hiệu lệnh bắt đầu là đua nhau giành lấy cây bông với hy vọng một năm may mắn và sinh được quý tử cho gia đình.

Cụ từ trong làng bưng ra một đĩa xôi trắng sau đó tung xuống để những người tham gia phía dưới bắt lấy. Tục tung xôi này mang ý nghĩa động viên, khích lệ và tăng cường sức khỏe cho binh sĩ thời xưa.

Anh Tuấn may mắn bắt được một nắm khá to, anh rất vui và mong chốc nữa cũng sẽ giành được bông.

Người mang bông ra phải là người có sức khỏe, múa và quay cây bông sao cho đúng hướng, đủ cả hai bên lối đi của đình.

Chờ có hiệu lệnh, trai tráng trong làng thi nhau giằng cho được cây bông may mắn. Người nâng lên, kẻ hạ xuống, tất cả tạo thành một bầu không khí vô cùng rộn ràng.

Trong lúc giằng bông đã có xô xát, các lực lượng chức năng cùng ban tổ chức đã kịp thời ngăn chặn.

Có tất cả hai lượt giằng bông. Đến khi nào cây bông được một người duy nhất giơ thẳng đứng lên trời thì lượt chơi mới kết thúc, nếu vẫn còn người khác cầm vào, bông sẽ tiếp tục được giằng.

Nhiều người rách áo, bỏ cuộc vì quá mệt. Giằng Bông là một trong những lễ hội chưa bị mất đi tính nhân văn, cũng như sự sôi động của nó.

Người nào may mắn giành được cây bông thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong công việc. Riêng những người sẽ hoặc đang có gia đình thì trong năm đó sẽ sinh con trai. Còn những ai chỉ giành lấy được sợi của cây bông cũng sẽ gặp may mắn cho cuộc sống của mình.

Anh Văn Tiến (xóm Cồn) là người giằng được cây bông đầu tiên. Anh chưa có gia đình nên mong muốn của anh là sẽ có vợ và sinh quý tử.

Hai cây bông được để ở đình sau khi đã có chủ, gia đình người giằng bông phải đem lễ đến cúng mới được đem về để trên bàn thờ nhà mình.

Ngoài ao sau đình, các liền anh, liền chị hát quan họ phục vụ bà con trong làng. 

Giang Huy