Chủ nhật, 3/11/2024
Chủ nhật, 4/10/2015, 02:00 (GMT+7)

Làng cổ với những ngôi nhà rường trên 100 tuổi

Làng Hội Kỳ nằm bên dòng Ô Lâu (Hải Lăng, Quảng Trị) hiện có 20 căn nhà rường 100-200 năm tuổi, từng được mua bằng cả trăm tấn thóc.

Làng Hội Kỳ nằm ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, bên dòng sông Ô Lâu. Các bậc cao niên kể rằng, làng được lập cách đây khoảng 500 năm, hiện còn 20 nhà rường cổ 100-200 năm tuổi. Những ngôi nhà cổ với kiến trúc chủ yếu ba gian hai chái cùng với hàng tre xanh mát tạo nên sự thơ mộng.

Bà Dương Bích Ngọc hiện là chủ nhân ngôi nhà cổ nhất với niên đại 200 năm. “Trước năm 1945, bố tôi làm ruộng được mùa, tốn cả nghìn lương lúa mua ngôi nhà này từ nơi khác về dựng lại, tính ra bây giờ là cả trăm tấn thóc”, bà Ngọc nói.

Ngôi nhà làm hoàn toàn bằng gỗ mít với những cây cột to bằng thân người lớn. Nhà được chạm trổ công phu ở nhiều cấu kiện, từ rường cột, rui mèn, đòn tay… 

Các mối ghép bằng mộng do những thợ lành nghề thi công, trải qua trăm năm mưa nắng, bão giông mà không hở. Phía trên mái lợp ngói liệt, dưới sàn lát gạch ba sàng, nay được thay thế bằng gạch hoa. Tường nhà xây bằng gạch thẻ và gạch vồ, giúp mà đông thì ấm mùa hè thì mát.

Cách đó không xa, nhà cổ của ông Dương Văn Mạnh do ông cố làm năm 1889 (triều vua Thành Thái), đến nay 126 năm tuổi. Gian chính giữa ngôi nhà lưu bức hoành phi với chữ “Tích khánh đường”, ngụ ý là nơi hội tụ niềm vui.

Ông Mạnh cho hay, sau giải phóng từng có người trả giá ngôi nhà đến 30 cây vàng nhưng ông không bán. “Đây là ngôi nhà của những người làm quan, với các nét chạm khắc lê lựu, đào tiên, phật thủ, dây lá hóa rồng… Chúng tôi rất tự hào vì giữ được giá trị của cha ông”, ông Mạnh nói và cho biết ông và bà Ngọc là hai chị em ruột, từng từ chối rất nhiều lời gạ mua nhà.

Những ngôi nhà cổ nằm hài hòa giữa thiên nhiên. Lối dẫn vào nhà là những hàng chè tàu xanh ngát được cắt tỉa tỉ mẩn, phía trước luôn là bình phong che chắn chướng khí. Phần lớn nhà cổ đều trồng rất nhiều hoa cảnh ở trước sân.

Ngôi nhà này của bà Dương Quang Thị Hường (95 tuổi) có niên đại hơn 100 năm. Bên ngoài có những cây mai cao gần bằng tòa nhà hai tầng. 

Bên cạnh nhiều nhà cổ, làng Hội Kỳ còn sở hữu nhiều nhà thờ tộc họ được xây dựng cùng kiểu kiến trúc và đều hướng mặt ra sông.

Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, nhà cổ ở Hội Kỳ lưu giữ được giá trị quý về văn hóa, kiến trúc cổ, kết hợp cảnh quan đặc trưng của làng quê Việt với cây đa, bến nước, sân đình, đường làng, ngõ xóm...

Trưởng làng Hội Kỳ, ông Dương Văn Cho, cho biết trong số 20 ngôi nhà cổ có 6 ngôi kiến trúc chạm khắc rất độc đáo, làm hoàn toàn bằng gỗ. “Chủ những ngôi nhà này trước kia đều là người có chức tước, địa vị ở trong làng. Người dân lâu nay đều tự bảo tồn”, ông Cho nói.

Ông Bùi Văn Sinh, Phó chủ tịch xã Hải Chánh cho hay, xã đã đề nghị đưa Hội Kỳ thành làng cổ sinh thái. Tuy nhiên, chủ nhân những ngôi nhà cổ lại không muốn trở thành di tích, vì lo ngại khách đến tham quan có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ ngôi nhà và thủ tục phức tạp mỗi khi cần tu sửa.

Hoàng Táo