Thứ bảy, 20/4/2024
Chủ nhật, 15/2/2015, 15:27 (GMT+7)

Hơn 300 cổ vật trong nhà rường Việt Nam xưa

Lần đầu tiên Quảng Ngãi trưng bày hơn 300 cổ vật trong không gian đầy vẻ độc đáo của nhà rường truyền thống Việt Nam nhằm phục vụ du khách tham quan dịp tết Ất Mùi.

Sau tám tháng thi công, hàng chục nghệ nhân làng mộc Kim Bồng (Hội An, Quảng Nam) đã phục dựng thành công nhà rường truyền thống ở khu vực miền Trung tại TP Quảng Ngãi. Chiều 14/2, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi trưng bày, giới thiệu rộng rãi đến người dân cùng du khách hơn 300 cổ vật trong không gian nhà rường này. 

Nhà rường gồm có nhà chính, nhà giữa và nhà sau được kết nối với nhau bởi trường lan (còn gọi là hành lang) dài 40 m. Khu vực bên trong các gian nhà có hoành phi, liễn đối được chạm khắc tinh xảo theo các chủ đề mai, lan, cúc, trúc hay tứ linh long, lân, quy, phụng... Ông Võ Hoài Nam, Chủ tịch Hội di sản Thiên Ấn (Quảng Ngãi) cho biết, các nghệ nhân đã thu thập nguyên vật liệu từ ba căn nhà cổ ở huyện Đức Phổ và Bình Sơn (120 đến gần 300 năm) phục dựng nguyên bản thành một ngôi nhà rường xưa đặc trưng ở miền Trung.

Tráp sơn son thếp vàng đựng sắc phong triều đình (thế kỷ 19) của nhà sưu tập Lê Quốc Trung - Hội di sản văn hóa Thiên Ấn Quảng Ngãi. Hơn 300 cổ vật được trưng bày giới thiệu dịp này, chủ yếu là gốm sứ thời Lê - Lý - Trần - Nguyễn và gốm Mỹ Thiện có niên đại từ thế kỷ 12 đến 20.  

Bộ sưu tập bát gốm chạm khắc hoa văn hình rồng tinh xảo hoàng triều nhà Nguyễn và thời Thiệu Trị của ông Võ Hoài Nam, Chủ tịch Hội di sản văn hóa Thiên Ấn Quảng Ngãi. 

Bộ sưu tập rìu đồng Đông Sơn cùng một số đĩa gốm cá chép, bình gốm của ông Trần Sắc, Hội viên Hội di sản văn hóa Thiên Ấn Quảng Ngãi. 

Bộ sưu tập đĩa gốm Chu Đậu với điển tích long, lân, phụng. 

Nghệ nhân Lâm Dũ Xênh (ngụ huyện Bình Sơn) giới thiệu với khách về bộ sưu tập thư tịch cổ Chămpa (thế kỷ 15-16). Ông Xênh cho hay, bộ thư tịch cổ này có ba cuốn kinh lễ của người Chămpa xưa được viết trên lá buông (phơi khô) và giấy bổi chủ yếu là cầu an thần dân, nghi thức cầu mùa... trong những đền tháp.  

Bộ sưu tập bình, ấm gốm Mỹ Thiện (Châu Ổ, huyện Bình Sơn) chạm khắc hoa mai - biểu tượng mùa xuân.

Trao đổi với VnExpress, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi - cho biết, nhà rường truyền thống đặc trưng của dân tộc Việt Nam là kết quả bước đầu của chủ trương xã hội hóa sân vườn Bảo tàng của tỉnh. "Nhà rường này đúng nguyên mẫu ba gian, hai chái đầy đủ các chi tiết độc đáo, đặc trưng của người dân miền Trung thuở xưa. Đây là không gian lý tưởng để các nhà nghiên cứu, nghệ nhân sưu tầm cổ vật giao lưu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa", ông Vũ nói. 

Theo ông Vũ, trong phạm vi khoảng 5.000 m2, Bảo tàng Quảng Ngãi tiếp tục hoàn thiện nhà rường truyền thống của người Việt và tiếp tục phục dựng nhà sàn (nhà dài) đặc trưng của đồng bào Cor. Không gian nhà cổ này hoàn thành sẽ tạo thêm "điểm đến" hấp dẫn người dân cùng du khách đến tham quan, nghiên cứu di sản văn hóa của quê hương "Núi Ấn, sông Trà".    

Trí Tín