Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ hai, 7/9/2015, 10:45 (GMT+7)

Hoang phế Hải Vân quan

Cụm kiến trúc cổ Hải Vân quan - nơi đệ nhất hùng quan đang rơi vào cảnh hoang phế, không được bảo tồn bởi ở vùng giáp ranh giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế.

Hải Vân quan nằm trên núi Hải Vân được triều Nguyễn xây dựng năm Minh Mạng thứ 7 (1826), nằm trong hệ thống phòng thủ của kinh đô Huế xưa. Ngày nay, địa danh này là vùng giáp ranh giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế. 

Nằm bên núi phía Đà Nẵng là phần tam cấp và chiếc cổng Hải Vân quan cao hơn 10 m, cùng một số lũy đá. Bên cạnh tấm biển đá ghi ba chữ Hải Vân quan là những hàng gạch đã bị hư hại.

Lối đi qua cổng ngổn ngang gạch, đá, rác thải do khách vứt lại. Nơi đây hoàn toàn không có bất cứ đơn vị quản lý nào.

Những lũy đá rộng chừng một mét dẫn vào tầng 2 của cổng Hải Vân quan, được cải tạo thời chiến tranh còn khá nguyên vẹn, nhưng bề mặt đã hư hỏng, nguy hiểm cho người đi lại. Bên cạnh là những dãy nhà hoang phế còn lại từ thời chiến tranh.

Bên trong tầng 2 ở cổng Hải Vân quan nhếch nhác với rác thải. Nhiều người thiếu ý thức đã vẽ bậy, bôi bẩn những bức tường.

Phía trên trần tầng 3 của cổng này nhìn qua một ô nhỏ là những lớp bê tông đã bong tróc, để lộ phần thép đan và có nguy cơ sập.

Nhiều phần bê tông của một lô cốt thời chiến tranh cạnh cổng Hải Vân quan đã hư hỏng, có thể sập bất cứ lúc nào. Tuy nhiên mỗi ngày vẫn rất nhiều người trèo lên đây ngắm cảnh, chụp ảnh.

Chiếc cổng cổ có khắc biển đá "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" cỏ mọc um tùm, che lấp lối đi.

Xung quanh những chiếc cổng cổ trên đỉnh Hải Vân là nhiều đồn bốt, hầm hào quân sự. Trong đó có tháp canh là nơi nhiều người trèo lên chụp ảnh, vì hậu cảnh là con đường quanh co.

Không có bất cứ cầu thang, hay bậc thềm để lên các đồn bốt này, khiến nhiều bạn trẻ mạo hiểm mỗi khi chụp ảnh.

Cũng chính không có đơn vị quản lý, những chiếc đồn cũ bị dẫm đạp và một chiếc đã bị sập, hoang tàn.

Phía dưới đỉnh đèo là đồn bốt thời chiến còn lại, xám xịt đang bị những hộ kinh doanh vây kín.

Nguyễn Đông