Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ sáu, 29/1/2016, 01:00 (GMT+7)

Hang quan tài trên đỉnh Pha Quen

Trên đỉnh núi Pha Quen ở huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), người dân phát hiện những hang đá bên trong có rất nhiều quan tài cổ. Phía dưới cửa hang là la liệt xương, răng và cả sọ người.

Hang ma nằm trên đỉnh Pha Quen, thuộc bản Bôn, xã Trung Thượng, huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa). Ở độ cao gần một nghìn mét so với mực nước biển, hang có nhiều quan tài cổ, được người dân phát hiện cách đây chưa lâu.

Muốn leo lên hang phải men theo các lối mòn cả km, cuối cùng là đánh đu trên những vách đá dựng đứng, nham nhở... Đây là thử thách thực sự khó khăn với những người leo núi khám phá hang ma.

Cửa hang chỉ lớn hơn một thân người trườn qua. Từ phía trong hắt lên thứ ánh sáng mờ ảo huyền bí… Vài bộ quan tài xám xịt, nhuốm màu thời gian án ngữ ngay miệng hang. Phía trên cửa hang có mái đá nhô ra, mưa nắng ít xói vào nên khu vực này khá khô ráo.

Không mấy người Thái bản địa dám đặt chân đến vì quan niệm đây là "thánh địa hồn ma", hoặc nơi thần linh cư ngụ.

Bên trong hang có hàng chục cỗ quan tài kích thước lớn nhỏ xếp theo tầng lớp. Hầu hết đã mục ruỗng, tách rời...

...nhưng cũng có bộ còn khá nguyên vẹn, gỗ đỏ au, chắc nịch.

Do tác động của thời gian, những bộ quan tài đều đã bật nắp. Khắp nơi là mạng nhện chăng kín lối, phân dơi và nhiều loài côn trùng, rắn rết cư ngụ càng làm tăng thêm vẻ kỳ bí của đỉnh núi Pha Quen.

Sườn núi Pha Quen có ít nhất hai cửa hang phát lộ quan tài cổ. Hai cửa hang nằm cách nhau khoảng 200 m. Trong lòng mỗi hang có khoảng 30- 40 bộ quan tài. Ngoài cỗ áo làm cho người lớn (dài khoảng 2-2,5 m, phần thân rộng chừng 70-80 cm) còn có hàng chục bộ dành cho trẻ con dài chừng một m, lòng khoét rỗng, phần đầu rộng 30 cm, chân rộng 20 cm.

Các cụ cao niên ở Trung Thượng không ai biết chủ nhân của những quan tài cổ kia là ai và từ đâu tới. Sử sách địa phương cũng không ghi chép nào về núi Pha Quen và những sự kiện liên quan.

Phía dưới cửa hang là la liệt răng, xương ống và cả sọ người.

Theo TS Sử học Phạm Văn Đấu, hình thức mộ táng bằng thân cây lớn khoét rỗng treo trên đỉnh núi ở Quan Sơn cho đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn. Tuy nhiên, với những cơ sở dữ liệu, hiện vật còn sót lại có thể khẳng định đây là tục táng của người Thái cổ. Bởi người Thái ở một số huyện miền núi, biên giới Thanh Hóa vẫn có phong tục đục thân gỗ làm hòm chôn cất người chết. Hiện nay trong mỗi gia đình, đặc biệt nhà có người cao tuổi phải có ít nhất 1-2 bộ hòm đục bằng thân gỗ tốt để dự phòng.

Giải thích vì sao người xưa kỳ công vận chuyển xác người và những bộ quan tài nặng hàng tấn đem táng trên đỉnh núi, TS Đấu cho rằng đối với người dân tộc miền núi, hang đá vốn được coi là linh thiêng. Ngày nay người Mường, Thái vẫn có nhiều lễ hội bên trong hoặc cạnh các hang núi vì họ quan niệm tổ tiên xưa của mình đã sinh sống trong hang núi. Hơn nữa hang núi cũng khá khô ráo nên dễ bảo quản, tránh sự xâm phạm.
 

Bà Hà Thị Mai, Trưởng phòng Văn hóa huyện Quan Sơn cho hay, địa phương đang đề nghị cơ quan chức năng chuyên môn thẩm định nguồn gốc cũng như niên đại của những quan tài cổ này để làm cơ sở phát triền ngành du lịch khám phá.

Lê Hoàng