Thứ ba, 7/1/2025
Thứ tư, 27/7/2016, 10:09 (GMT+7)

Đêm tri ân liệt sĩ của thanh niên thủ đô

Mộ bác sĩ Đặng Thùy Trâm, mộ những người lính máy bay CASA cùng hàng nghìn mộ liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến sáng lên trong đêm từ những ngọn nến tri ân của người trẻ

Tối 26/7, Trung ương Đoàn, Thành đoàn Hà Nội tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang TP Hà Nội (Tây Tựu, Bắc Từ Liêm). Hơn 1.000 sinh viên các trường đại học, thanh niên công an, quân đội cùng tham gia.

20h, các bạn trẻ dâng hương, hoa và thắp nến tại hơn 2.300 phần mộ liệt sĩ. Lễ thắp nến tri ân đồng thời diễn ra tại hơn 2.000 nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước, nhằm thể hiện đạo lý đền ơn đáp nghĩa của tuổi trẻ đối với cha anh đã ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương thắp hương tại mộ liệt sĩ cùng các thanh niên.

Học sinh trường THPT Yên Hòa trước mộ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Người con gái tuổi đôi mươi để lại cho đời cuốn nhật ký nổi tiếng với những suy nghĩ, cảm xúc về gia đình, xã hội và cuộc chiến tranh khi hàng ngày ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết, được đặt tên Nhật ký Đặng Thùy Trâm.

"Hàng nghìn ngọn nến tri ân thắp lên là lời hứa của thế hệ trẻ cố gắng học tập, rèn luyện để xứng đáng với hàng triệu liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân", anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn chia sẻ và mong rằng mỗi người trẻ sẽ thể hiện lòng biết ơn bằng những hành động cụ thể, thiết thực hơn.

Hà My, học viên năm 2 Học viện Cảnh sát nhân dân lần đầu tiên viếng thăm nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội.

Các chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh thủ đô đứng nghiêm trang làm lễ tri ân. Ngoài thắp hương cho liệt sĩ, Thành đoàn Hà Nội còn tổ chức khám bệnh, phát thuốc cho hơn 1.000 người có công với cách mạng, hoàn cảnh khó khăn tại xã Xuân Sơn, xã Tản Lĩnh, thị xã Sơn Tây. Trung ương Đoàn trao tặng 2 nhà tình nghĩa cho mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Ứng (huyện Thường Tín) và ông Nguyễn Trọng Khoát (huyện Mê Linh), thương binh nặng nhiễm chất độc dioxin.

Ở một góc nghĩa trang, 3 ngôi mộ còn rất mới của những người lính máy bay CASA nằm cạnh nhau: liệt sĩ đại tá Lê Kiêm Toàn, liệt sĩ thiếu tá Lê Vân Đình và liệt sĩ thượng úy Nguyễn Văn Thái. Các anh hy sinh trên chuyến bay CASA số hiệu 8983 ngày 16/6 khi thực hiện nhiệm vụ thuộc vùng biển Bạch Long Vỹ (Hải Phòng).

Cùng với hàng nghìn thanh niên, nhiều người dân cũng đến thăm người thân liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây. Ông Trần Văn Hùng ngồi trầm ngâm trước mộ em trai, năm nào ông cũng ra đây thắp hương, có chuyện gì trong gia đình cũng đều "báo cho chú ấy biết".

Cụ bà Nguyễn Thị Thử (78 tuổi) đưa cháu gái đi thắp hương cho anh trai. Không riêng ngày 27/7, có thời gian rảnh bà lại ra thắp hương cho ông và những đồng đội ở quanh chỗ ông nằm.

Chị Huyền (trú tại Nhổn) cùng hai con trai 8 tuổi và 3 tuổi viếng mộ hai ông chú - em ruột của bà nội chị. Cả hai đều là liệt sĩ công an, hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Theo thống kê, cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến, trong đó hơn 300.000 liệt sĩ quy tập về các nghĩa trang còn thiếu thông tin, hơn 200.000 hài cốt chưa được tìm thấy. 63 tỉnh thành có hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, 1.750 đài tưởng niệm, 4.800 nhà bia ghi tên liệt sĩ.

Giang Huy - Hoàng Phương