Thứ tư, 24/4/2024
Thứ tư, 1/6/2016, 00:00 (GMT+7)

Cuộc sống lao động của trẻ em vùng cao

Đắp đất xây nhà, gùi những bó củi cao gấp đôi mình... những đứa trẻ vùng cao phía Bắc được tiếp xúc với công việc từ rất sớm.

Còn rất nhỏ tuổi nhưng mỗi đứa trẻ người dân tộc Mông vùng cao nguyên đá đã biết phụ giúp gia đình. Ảnh chụp tại xã Pải Lủng tại một gia đình đang dựng ngôi nhà trình tường.

Trong ánh nắng chiều tháng 10, những đứa trẻ hồn nhiên vui vẻ gánh củi khô trên đường về nhà.

Hơn 4 giờ đồng hồ đằm mình dưới mưa lạnh, hai cậu bé người Mông ở xã Sín Chải đã tìm được con trâu nhà mình trong rừng. Dưới tiết trời dưới 0 độ C, các bé co ro khi lùa trâu vào chuồng những ngày đầu năm 2015.

Cuối tháng 5, nghỉ hè sau một năm học tập xa nhà, Lù A Lềnh trở về phụ giúp gia đình lên luống cho thửa ruộng bậc thang. Thời gian này đang bắt đầu vào mùa mưa, nước đã xăm xắp trên thửa ruộng, một mùa vụ mới đang tới.

Công việc tưởng chừng như quá sức nhưng lại nằm gọn trong bàn tay nhỏ của một cậu bé.

Vào mùa đông, cỏ tươi làm thức ăn cho trâu bò khan hiếm, Mùa Dung Sinh, 7 tuổi loay hoay buộc bó cỏ để đưa vào kho trước khi trời tối.

Chị em Chảo A Ly thôn Can Hồ B gùi gánh cỏ về nhà làm thức ăn cho trâu bò trong những ngày rét đậm rét hại và tuyết phủ trắng dãi Hoàng Liên đầu năm 2016.

Thôn Túng Sán là nơi sinh sống của người Cờ Lao, dân tộc thiểu số định cư tại Hoàng Su Phì (Hà Giang) người dân ở đây sống bằng nông nghiệp, một vụ lúa và một vụ màu. Cuộc sống vất vả khiến những đứa trẻ chưa đủ tuổi học lớp 1 cũng phải tham gia lao động phụ giúp gia đình.

"Tri thức canh tác hốc đá" của cư dân cao nguyên đá Hà Giang đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có sự góp sức từ bàn tay lao động của những em nhỏ.

Những đứa trẻ người Mông ở Lũng Pô (Lào Cai) trở về nhà sau một ngày lao động.

Ngọc Thành