Thứ ba, 19/3/2024
Chủ nhật, 25/6/2017, 00:00 (GMT+7)

Công trình, hàng cây ở TP HCM 'nhường chỗ' để thi công metro

Bùng binh Quách Thị Trang, tượng Trần Nguyên Hãn, các hàng cổ thụ ở trung tâm đã phải "nhường chỗ" để thi công metro Bến Thành - Suối Tiến.

Bùng binh Quách Thị Trang được người Pháp xây dựng năm 1914. Sau hơn 100 năm tồn tại, để thi công nhà ga ngầm Bến Thành, vòng xoay này bị phá bỏ.

Theo quy hoạch, khi hoàn thành ga ngầm vào năm 2020, khu vực vòng xoay được xây thành quảng trường hiện đại. Tuy nhiên, nếu chưa kịp thực hiện theo quy hoạch sẽ phục hồi nguyên trạng.

Ngoài tượng Quách Thị Trang, hình ảnh nổi bật tại khu vòng xoay là tượng tướng Trần Nguyên Hãn cuỡi ngựa trên bệ cao, được đặt từ năm 1965. Nhằm phục vụ thi công nhà ga metro Bến Thành, cuối năm 2014, tượng được di dời về bảo quản tại công viên Phú Lâm (quận 6), tượng bán thân Quách Thị Trang được chuyển về công viên Bách Tùng Diệp (quận 1).

Cũng tại khu quảng trường Quách Thị Trang, từ ngày 10/4/2017 thì trạm trung chuyển xe buýt Bến Thành đã di dời sang đường Hàm Nghi để bàn giao mặt bằng thi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.

Hiện, toàn khu vực vốn là vòng xoay, trạm xe buýt trước kia là công trường rộng, bao gồm cả một phần công viên 23/9. Lộ trình các tuyến đường ở đây được thay đổi khi công trường được rào chắn.

Tháng 7/2014, hàng cây dầu cổ thụ và khu triển lãm trước Nhà hát thành phố bị đốn hạ để có mặt bằng khởi công nhà ga ngầm tuyến metro trong sự tiếc nuối của nhiều người dân và du khách.

Khoảng cây xanh, đài phun nước cây liễu tại vòng xoay giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ trước UBND TP cũng được phá bỏ. Hiện, sau 3 năm, khu vực giao lộ này một phần được rào chắn để đào nhà ga ngầm và đường Nguyễn Huệ trở thành phố đi bộ.

Tháng 10/2016, tại công viên 23/9 (đoạn gần chợ Bến Thành), 51 cây xanh cũng đốn hạ, di dời nhằm phục vụ cho thi công nhà ga ngầm ở đây. Những cây thuộc diện đốn hạ, bứng dưỡng có tuổi đời trên chục năm gồm nhiều chủng loại như bằng lăng, sao đen, nưa, cẩm liên...

Một phần của hàng cây trên đường Phạm Ngũ Lão cũng không còn, thay vào đó là rào chắn công trình.

Mới nhất, tháng 6/2017, trên đường Lê Lợi, 28 cây cũng phải đốn hạ, di dời để thi công đoạn hầm nối từ ga trung tâm Bến Thành đến Nhà hát Thành phố (dài 320 m).

Tại đường Lê Lợi, điều khiến nhiều người tiếc nuối là hàng dầu cổ thụ, tuổi đời trên 50 năm, không còn nữa. Số gỗ sau khi đốn hạ sẽ giao cho Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở Giao thông Vận tải TP HCM) sử dụng cho các công trình công ích.

Sau khi tuyến metro hình thành vào năm 2020, trên nóc nhà ga ngầm và khu thương mại ngầm dọc đường Lê Lợi cũng như ở các khoảng không gian khác sẽ là quảng trường đi bộ rộng lớn và mảng xanh mới được phục hồi. Loại cây mới được chọn trồng sẽ cao dưới 15 m.

Bóng mát ở dãy nhà cổ trên đường Lê Lợi không còn nữa. Từ năm 2014 đến nay, đây là lần đốn hạ, di dời thứ tư với tổng số khoảng 150 cây xanh nằm trên các tuyến đường Nguyễn Huệ, Công trường Lam Sơn, Tôn Đức Thắng, Phạm Ngũ Lão và Lê Lợi.

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8/2012. Dài gần 20 km, tuyến đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).

Quỳnh Trần