Thứ năm, 25/4/2024
Thứ năm, 10/11/2016, 19:46 (GMT+7)

Chợ gần 90 tuổi ở Sài Gòn đóng cửa, tiểu thương hối hả dọn hàng

Sáng 10/11, hàng trăm tiểu thương chợ Bình Tây (quận 6, TP HCM) hối hả dọn hàng hóa sang chợ tạm để chợ được nâng cấp, sửa chữa.

Theo UBND quận 6, kể từ 10/11 đến 15/11, tiểu thương chợ Bình Tây sẽ phải dọn hàng hóa sang khu chợ tạm trên đường Tháp Mười (trước cổng chợ Bình Tây) để tiến hành nâng cấp, tu sửa chợ. Từ sáng nay, nhiều đoàn xe ba bánh đã túc trực trước cửa chợ Bình Tây để vận chuyển hàng hóa sang khu chợ tạm.

Khu vực nhà lồng chợ Bình Tây có gần 1.500 sạp. Nhiều tiểu thương cho biết, việc chuyển hàng hóa sang chợ tạm đã được họ chuẩn bị từ những ngày trước, chỉ chờ đến ngày chuyển là mang sang.

Bên trong chợ, các chủ sạp tất bật bó gọn hàng hóa để dễ vận chuyển. "Chợ đã gần trăm tuổi nên việc tu sửa là rất cần thiết. Ban quản lý chợ nói một năm sẽ hoàn thành, tiểu thương chúng tôi chỉ mong chủ đầu tư thi công đúng thời hạn để không ảnh hưởng đến việc buôn bán", bà Ngọc Hương, chủ sạp bán quần áo ở chợ Bình Tây 20 năm, chia sẻ.

"Cả nửa thế kỷ gắn bó, tôi xem chợ như là nhà. Thời gian ở đây còn nhiều hơn ở nhà nên phải xa nơi này cả một năm cũng buồn lắm. Mà cũng lo vì đang sắp Tết, chuyển sang chợ mới dễ mất mối làm ăn", cô Ứng Thị Liên (65 tuổi) bán hàng ở chợ đã 50 năm nói.

Anh Quốc Khánh, chủ sạp hàng bán giày dép cho biết việc di dời sang chợ tạm chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc kinh doanh trong thời gian đầu. "Ki-ốt bán hàng ở chợ tạm nhỏ hơn, chưa kể thời gian đầu, các mối bán hàng sẽ chạy lung tung", anh Khánh nói.

Hai tiểu thương bán tạp hóa trèo lên nóc sạp hàng để tháo các khung sắt. Vì chợ tạm nằm đối diện chợ Bình Tây nên việc dọn dẹp hàng hóa diễn ra khá nhanh gọn.

Hầu hết các tiểu thương đều lo lắng vì thời điểm di dời sang nhà lồng chợ tạm đang là lúc chuẩn bị nhập hàng hóa Tết. Do đó, việc di dời chợ sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến doanh thu.

Vì chợ tạm nằm đối diện chợ Bình Tây nên các tiểu thương đều chọn cách cõng hàng, vác hàng trên vai.

Dòng người hối hả vận chuyển hàng hóa từ chợ Bình Tây sang chợ tạm.

Sau khi hàng được cõng ra cổng, nhiều thanh niên dùng xe đẩy băng qua đường, đưa vào chợ tạm.

Tiểu thương vận chuyển các khung sạp hàng rời chợ Bình Tây. Chợ tạm gồm 6 khu, gần 1.100 sạp, mỗi sạp có diện tích hơn 2 mét vuông được dựng tạm bằng nhôm. So với chợ chính, không gian chợ tạm chật hẹp hơn từ lối đi cho đến diện tích sạp. Dự kiến thời gian sửa chữa, nâng cấp chợ kéo dài khoảng một năm, sau thời gian này, tiểu thương sẽ tái bố trí vào chợ như mong muốn.

Chợ Bình Tây được biết đến với tên gọi Chợ Lớn (mới) do thương gia người Hoa là Quách Đàm bỏ tiền xây năm 1928 theo kỹ thuật của Pháp. Kiến trúc hình bát quái được cho là nét độc đáo nhất của chợ, gồm 12 cổng, bên trong có hoa viên rộng rãi để khách ngồi nghỉ. Hệ thống móng nền làm bằng đá sỏi, bêtông chắc chắn nên không có hiện tượng sụt, lún.
Sau khi dọn dẹp xong hàng hóa, một số tiểu thương thắp hương trong khuôn viên tượng Quách Đàm để cầu mong việc buôn bán ở chợ mới thuận lợi.
Công trình nâng cấp, sửa chữa toàn diện chợ Bình Tây do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 6 làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư công trình hơn 100 tỷ đồng.

Tiến Thành - Như Quỳnh