Thứ năm, 28/3/2024
Thứ năm, 27/10/2016, 14:41 (GMT+7)

Cầu biểu tượng của Lạng Sơn được dỡ bỏ xây mới

Ngày 27/10, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khởi công xây cầu Kỳ Cùng với tổng đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Cầu cũ gắn liền với lịch sử đấu tranh bảo vệ tổ quốc, với đời sống tâm linh của người dân, sẽ được dỡ bỏ.

Cầu Kỳ Cùng bắc qua sông Kỳ Cùng, được thực dân Pháp xây khoảng năm 1897-1899 khi nhận thấy vị trí quan trọng trên tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn, Đồng Đăng. Trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc, năm 1979 cầu bị phá hủy hoàn toàn. Ảnh tư liệu.

Để đảm bảo giao thông tuyến huyết mạch trên quốc lộ 1A cũ, cầu Kỳ Cùng được xây dựng từ năm 1985 và đến 1987 thì hoàn thành. Cầu rộng 9,8 m, dài 92 m, sơ đồ nhịp 2x46 m, cao hơn cầu cũ khoảng 2 m.

Cầu nối cửa khẩu Đồng Đăng, thành phố Lạng Sơn với các tỉnh miền xuôi. Hai bên cầu Kỳ Cùng là di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh: Đền quan lớn Tuần Tranh và chùa Thành. Mỗi năm lượng du khách đến đây vãn cảnh khá đông, đặc biệt 3 tháng âm lịch đầu năm.

Khi quốc lộ 1A mới hoàn thành, cầu Kỳ Cùng phục vụ cho người dân di chuyển trong thành phố Lạng Sơn.

Theo thời gian, cầu có biểu hiện xuống cấp. Khổ cầu hẹp, tải trọng chỉ 10 tấn, nên thường xuyên bị ách tắc trong giờ cao điểm. Do vậy tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt dự án xây dựng cầu Kỳ Cùng mới tại vị trí hiện nay.

Không chỉ là công trình giao thông, cầu Kỳ Cùng còn là biểu tượng của thành phố Lạng Sơn, gắn với lịch sử bảo vệ tổ quốc, đời sống văn hóa của người dân nên trước khi phê duyệt dự án, tỉnh Lạng Sơn đã lấy ý kiến từ nhiều phía để đạt được sự đồng thuận.

Trước thông tin cầu Kỳ Cùng bị dỡ bỏ để xây mới, nhiều người dân Lạng Sơn tranh thủ đến lưu lại kỷ niệm. Ngày 26/10, anh Tùng cùng nhóm bạn trong câu lạc bộ ôtô địa hình tập trung tại cầu Kỳ Cùng chụp ảnh. 

Chị Đặng Thị Ngọc (phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn) cho biết: “Cầu mới hiện đại sẽ góp phần rất lớn cho sự phát triển chung của tỉnh, nhưng tôi hơi buồn khi biết tin sẽ dỡ cầu cũ vì từ nhỏ đã thường xuyên đi lại trên cầu nên có rất nhiều kỷ niệm”.

Nhiều du khách đến tham quan Lạng Sơn thấy người dân chụp ảnh cũng tranh thủ tạo dáng.

Theo Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn, cầu Kỳ Cùng mới sẽ dài 117,2 m gồm một nhịp, bề rộng 21 m, thấp hơn cầu cũ 1,8 m. Cầu xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tổng mức đầu tư hơn 405 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. 

Trong thời gian thi công xây dựng cầu (2016-2018), người dân đi lại trong TP Lạng Sơn sẽ lưu thông trên hai cầu khác bắc qua sông Kỳ Cùng là Đông Kinh và cầu 17/10.

Cầu biểu tượng của Lạng Sơn được dỡ bỏ xây mới
 
 

 

Hồng Vân