Thứ sáu, 29/3/2024
Chủ nhật, 9/4/2017, 01:48 (GMT+7)

Căn phòng nơi Hàn Mặc Tử ở trước khi qua đời

Ở trại phong Quy Hòa (Bình Định) vẫn giữ nguyên căn phòng Hàn Măc Tử ở trước khi qua đời 77 năm trước. Trong phòng còn chiếc giường, manh chiếu cói, những tập thơ, bút tích của ông.

Trại phong Quy Hòa (TP Quy Nhơn, Bình Định), nay là bệnh viện điều trị bệnh phong - da liễu Quy Hòa được xây dựng từ năm 1929. Nơi đây, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã điều trị bệnh phong và qua đời năm 1940 khi mới 28 tuổi.

Ngày nay, ở đây vẫn giữ nguyên căn phòng ông ở trong vòng chưa đầy 2 tháng trước khi trút hơi thở cuối cùng. 

Căn phòng nhỏ khoảng 25 m2, chia làm hai gian. Nơi Hàn Mặc Tử từng ở nay trở thành nhà lưu niệm mang tên người thi sĩ tài hoa. Năm 1935, Nguyễn Trọng Trí (tên thật của nhà thơ) có những dấu hiệu của bệnh phong trên cơ thể. Tuy nhiên, ông chỉ nghĩ là một chứng phong ngứa không đáng kể. Mãi đến ngày 20/9/1940 ông mới nhập trại phong khi bệnh quá nặng, mang số bệnh nhân 1.134 và được điều trị ở căn phòng này.

Căn giường nơi Hàn Mặc Từ nằm trong 2 tháng vật lộn với những cơn đau. Vẫn còn đó manh chiếu cói, hộc tủ nhỏ. Một tấm bảng ghi rõ, nơi phòng này, 5h45 phút, ngày 11/11/1940 nhà thơ từ trần.

Không gian căn phòng nhỏ với cửa sổ hướng ra ngoài biển Quy Hòa. Khi đó, ông vẫn thường ra bờ biển cách đó không xa vừa ngắm cảnh vừa sáng tác thơ.

Một bên gian phòng treo những bức tranh của Hàn Mặc Tử do những người yêu mến ông vẽ tặng. Trong đó, nhiều nhất là những bức tranh do ông Nguyễn Bá Tín, em trai thi sĩ vẽ tặng cho người anh bạc mệnh của mình.

Một số bút tích của nhà thơ vẫn được lưu giữ cẩn thận trong lồng kính, treo trên tường nhà. Trong đó có bốn câu thơ trong bài "Lang thang" của ông:

"Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói?
Gió trăng có sẵn làm sao ăn?
Làm sao giết được người trong mộng?
Để trả thù duyên kiếp phũ phàng?"

Không chỉ thơ hay, ông được biết đến với các mối tình của nhiều người phụ nữ khác nhau. Những người tình để lại nhiều dấu ấn trong văn thơ của ông - có những người ông đã gặp, có những người chỉ giao tiếp qua thư từ.

Trong đó, được biết đến nhiều là chuyện tình với các "nàng thơ" như Hoàng Thị Kim Cúc, Mai Đình, Mộng Cầm, Thương Thương, Ngọc Sương...

Bút tích với chữ ký là tên thật của Hàn Mặc Tử. Nội dùng là lời nhắn ông gửi từ Quy Hòa về cho mẹ ở Quy Nhơn. "A mama de Quy Nhon - Viết mấy hàng chữ này để lạy từ tạ mẹ - Con bất hiếu", ông viết.

Còn đây là bút tích cuối cùng của Hàn Mặc Tử trước khi trút hơi thở cuối cùng. Nội dung là lời cám ơn gửi anh Nguyễn Văn Xê (người trong ảnh), bạn đồng bệnh đã săn sóc ông trong suốt 52 ngày điều trị ở trại phong. "Thơ cầu nguyện đề tặng anh Xê - Francois Trí".
 

Những tập thơ của ông cùng các tác phẩm viết về Hàn Mặc Tử được trưng bày trong tủ kính. Nguyễn Trọng Trí làm thơ từ năm 16 tuổi lấy hiệu là Phong Trần rồi Lệ Thanh. Đến năm 1936, khi chủ trương ra phụ trương báo Saigon mới đổi hiệu là Hàn Mạc Tử, sau ông lại đổi thành Hàn Mặc Tử. "Hàn Mạc Tử" nghĩa là chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo, trống trải.

Chính giữa căn phòng là gian thờ với tượng bán thân của nhà thơ. 

Cách đó không xa là mộ phần ban đầu của thi sĩ. Năm 1959, mộ phần ông được cải táng ra đồi Ghềnh Ráng. Trên nền mộ cũ, cuối năm 1991, được dựng lên một đài tưởng niệm. Ðài được xây nhờ tấm lòng vàng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Ðài cao khoảng 5 mét, trên đỉnh vừa là hình ảnh bút nghiên (con người thi sĩ) vừa là hình cây thánh giá (con chiên của chúa). Trên bệ là hình cuốn sách lật ngửa, như trang đời sự nghiệp của Hàn Mặc Tử còn dở dang.

Quỳnh Trần