Thứ sáu, 22/11/2024
Thứ năm, 18/12/2014, 19:58 (GMT+7)

70 giờ tìm cách tiếp cận các nạn nhân kẹt trong hầm thủy điện

Hơn 500 người nỗ lực suốt ngày đêm với nhiều phương án cứu hộ liên tiếp kể từ khi xảy ra vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng. Nhưng sau gần 3 ngày đêm, việc tiếp cận các nạn nhân vẫn chưa khả thi.

7h ngày 16/12, hầm thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) bất ngờ sập khi hơn 30 công nhân đang làm việc bên trong. 20 người may mắn chạy kịp ra bên ngoài trong khi 12 đồng nghiệp của họ bị kẹt lại. Sau hơn 10 năm khởi công, công trình này đã thi công được 600 m đường hầm xuyên qua, còn hơn 100 m nữa, hầm này sẽ được thông. Đoạn bị sập nằm cách miệng hầm 500 m và dưới đỉnh đồi thông 70 m.

Suốt nhiều giờ sau đó, lực lượng cứu hộ đông đảo của Lâm Đồng nỗ lực tiếp cận nạn nhân nhưng bất thành. Đến 19h40, mọi người đã xuyên thủng đoạn ống đường kính 3 cm qua khối đất, đá sập chừng 30 m. Niềm vui vỡ òa khi qua đường ống khí đưa vào, mọi người đã nghe được tiếng nói của các nạn nhân kẹt bên trong vọng ra. Họ cho biết vẫn an toàn, rất lạnh và rất đói, nước rò rỉ bị khối đất đá sập chặn đường thoát nên đang dâng lên.

12 nạn nhân bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Phía trước họ là khối đất, đá, bùn nhão... chảy dài hàng chục mét. 3 phía còn lại là tường hầm được bao phủ bởi ngọn đồi rộng lớn. Công cụ duy nhất để họ tiếp nhận cháo sữa, oxy và truyền thông điệp ra bên ngoài là ống thông khí này.

 

Ngày 17/12, việc cứu hộ được tiếp tục với sự có mặt của nhiều lực lượng công binh, thợ mỏ, cảnh sát TP HCM... Ngoài địa chất phức tạp với cát, đá mồ côi, một mối đe dọa khác với lực lượng cứu hộ là trên ngọn đồi xuất hiện hai hố nằm cách nhau khoảng 9 m khiến việc đào bới luôn tiềm ẩn rủi ro, có thể làm hầm sập thêm.

Cơ quan chức năng đưa ra 3 phương án. Ngoài khoan thẳng từ phía trước hầm chừng 30-40 cm, thêm 2 phương án nữa được đưa ra là khoan từ trên đỉnh đồi xuống vị trí hầm bị sập (70 m) và khoan từ phía sau hầm (hướng hạ lưu). Trong khi đó, nước trong hầm bắt đầu dâng cao.

Tối cùng ngày, việc cứu hộ có tiến triển mới khi một bóng đèn nhỏ nối dây điện đã được luồn thành công qua ống sắt vừa khoan được, đưa qua đầu bên kia cho các nạn nhân có chút ánh sáng.

Lúc này, nước trong đường hầm nơi các nạn nhân đang kẹt lên đến 1,4 m. Ưu tiên số một của cứu hộ lúc này là hút nước ra càng sớm càng tốt. 20h30, lực lượng cứu hộ tại hiện trường đã khoan xuyên đường ống thứ hai đường kính 6 cm vào trong và rạng sáng ngày 18/12, thêm một đường ống nữa được khoan thành công. Tuy nhiên, đường ống thứ 3 chọc vào nhưng các nạn nhân không mở van nên phương án này không phát huy tác dụng. Sau cả ngày hoạt động, đường ống nhỏ cũng hút được gần hết nước ra ngoài. Lực lượng cứu hộ đánh giá đây là điểm thành công nhất trong công tác cứu hộ ngày thứ 3.

 

Cả 3 hướng khoan từ phía trước (tạo ngách hầm đi qua khu vực sập), sau và bên trên vẫn tiếp tục thực hiện để tiếp cận vị trí của 12 nạn nhân. Trong ngày thứ 3, một phương án nữa được tiến hành là khoan thêm một đường hầm men theo ngách bên trái theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải.

 

17h ngày 18/12, sau khi khoan được 40 m từ đỉnh đồi trong số 70 m, mũi khoan bị gãy. Lực lượng cứu hộ phải chuyển sang một vị trí khác và phải khoan lại từ đầu. Đây là hướng khoan được cho là rất quan trọng vì sẽ là đường "tiếp tế" quần áo ấm cho các nạn nhân bị kẹt bên trong hầm. Trong khi đó, đường hầm ngách men theo bên phải đã đi được 6 m, bên trái 2 m; đường hầm phía hạ lưu được 47 m. "Theo tính toán, mỗi ngày lực lượng cứu hộ đào được 8 m thì phải ba ngày nữa mới cứu được các nạn nhân. Hiện toàn bộ thiết bị hiện đại nhất đã được huy động để cứu người", Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.

Hữu Công - An Nhơn
Đồ họa: Xuân Việt