Thứ ba, 16/4/2024
Thứ bảy, 1/11/2014, 11:53 (GMT+7)

Sức mạnh tương lai của không quân Trung Quốc

Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới có khả năng cạnh tranh với Mỹ và máy bay cảnh báo sớm với hệ thống radar tối tân là hai trong số các dự án đang được Trung Quốc phát triển nhằm tăng cường sức mạnh không quân.

Hình ảnh rò rỉ trên mạng được cho là chiếc máy bay tàng hình thế hệ mới J-31 chưa được công bố chính thức của Trung Quốc. Đây là một máy bay phản lực hai động cơ mà giới phân tích nhận định có khả năng thực hiện các nhiệm vụ từ tàu sân bay. Ảnh: Tixue

Hình ảnh nghi là của chiếc chiến đấu cơ tàng hình J-31 đang hạ cánh tại sân bay Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đăng tải hồi đầu tuần trên một diễn đàn của những người đam mê quân sự. Theo Andrei Chang, tổng biên tập tạp chí Kanwa Asian Defence của Canada, có lẽ J-31 mượn những đặc tính từ chiếc máy bay hai động cơ F-22 và chiếc F-35C của quân đội Mỹ. Ảnh: SCMP

Chengdu J-20, một máy bay chiến đấu tàng hình, hai động cơ, thế hệ thứ 5, được phát triển bởi Công ty Cổ phần Hàng không Vũ trụ Chengdu, Trung Quốc. J-20 cất cánh thử lần đầu vào ngày 11/1/2011 và dự kiến chính thức đi vào hoạt động trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến 2019. Ảnh: Boresight

J-20 có nhiều điểm tương đồng với chiếc F-22 Raptor của Mỹ với phần thân dài, sải cánh rộng, mũi nhọn. Theo Quỹ Jamestown, J-20 có tiềm năng để phát triển thành một chiến đấu cơ tàng hình chất lượng cao, cạnh tranh với chiếc F-22A Raptor của Mỹ, nếu được trang bị động cơ thích hợp. Ảnh: Telegraph

Khoang vũ khí chính của J-20 có khả năng chứa cả tên lửa không-đối-không tầm ngắn và tầm xa như: PL-10, PL-12C/D và PL-21. Hai khoang vũ khí nhỏ hơn, phía sau đường dẫn khí, dành cho tên lửa không-đối-không tầm ngắn. J-20 có thể đóng hoàn toàn cửa khoang vũ khí trước khi bắn tên lửa vì thế khả năng tàng hình được nâng cao. Ảnh: Want China Times

Hình ảnh trên mạng được cho là của chiếc máy bay cảnh báo sớm KJ-500 mà Bắc Kinh đang phát triển. KJ-500 sử dụng thân máy bay vận tải Shanxi Y-9. Do đó, ban đầu, nó bị nhầm với máy bay cảnh báo sớm ZDK-03 được Trung Quốc thiết kế cho Pakistan. Tuy nhiên, khác biệt cơ bản nằm ở hệ thống radar. Ảnh: China Military Review

Đồ họa chiếc máy bay cảnh báo sớm KJ-500 của Trung Quốc. Theo các tài liệu rò rỉ, "mắt thần" trên KJ-500 là loại radar mạng pha chủ động, nằm ở trung tâm đĩa tròn trên thân máy bay. KJ-500 đang trong quá trình thử nghiệm bay. Tương lai gần, chúng sẽ được trang bị cho lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc. Ảnh: Asian Defence News

Chiếc máy bay vận tải quân sự cỡ lớn Y-20 của Trung Quốc. Đây là một dự án đang được phát triển bởi công ty Công nghiệp Máy bay Tây An, chính thức khởi động năm 2006. Nguyên mẫu Y-20 được trang bị 4 động cơ phản lực D-30 trong khi những chiếc đưa vào sản xuất sẽ mang động cơ WS-20. Ảnh: Global Military Review

Về cấu trúc chung, Y-20 có nhiều điểm giống với chiếc máy bay chở hàng Iyushin Il-76 của Nga với cánh đặt cao, đuôi hình chữ T, cầu dỡ hàng lắp ráp và thiết bị hạ cánh có thể rút vào trong. Ảnh: Military News

Có báo cáo cho rằng Y-20 được đưa vào thử nghiệm trên mặt đất tháng 12/2012. Chuyến bay thử đầu tiên kéo dài một giờ diễn ra vào ngày 26/1/2013. Trong lần hạ cánh đầu tiên, nó phải bay lên trở lại một lần trước khi đáp xuống sân bay vì tốc độ quá cao. Y-20 là máy bay vận tải quân sự đầu tiên sử dụng công nghệ in 3D để tăng tốc độ phát triển cũng như giảm chi phí sản xuất và nghiên cứu. Ảnh: People

Vũ Hoàng