Thứ năm, 18/4/2024
Thứ ba, 22/11/2016, 20:32 (GMT+7)

Những tổng thống Hàn Quốc 'hạ cánh' trong bê bối

Hàn Quốc có 8 đời tổng thống bị vướng vào tham nhũng, lạm quyền. Tổng thống đương nhiệm Park Geun-hye cũng chuẩn bị bị thẩm vấn về bê bối chính trị liên quan đến bạn thân của bà.

Syngman Rhee (1948 – 1960)

Syngman Rhee, tốt nghiệp tại Mỹ, là nhà lãnh đạo Cơ đốc giáo tham gia vận động giải phóng Hàn Quốc khỏi ách thống trị của Nhật Bản. Rhee trở thành tổng thống lập quốc Hàn Quốc năm 1948 với sự hỗ trợ từ Washington.

Rhee dần biến thành người độc đoán và được cho là phải dùng cách hối lộ, gia đình trị để bám lấy quyền lực.

Rhee đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 năm 1960 trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng cuộc bầu cử bị gian lận. Sinh viên biểu tình trên cả nước khiến ông phải tháo chạy sang Hawaii và qua đời tại đây năm 1965.

Trong ảnh, ông Rhee ngồi tại phủ tổng thống ở Seoul tháng 3/1955.

Park Chung-hee (1961 – 1979)

Thiếu tướng Park Chung-hee lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 1961, kết thúc thời kỳ chính quyền dân sự ngắn ngủi sau khi Rhee từ chức. Park từng là giáo viên tiểu học, sau đó đi học và trở thành trung úy trong quân đội thuộc địa của Nhật Bản.

Park là cha của Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm Park Geun-hye. Ông được biết đến với việc đặt nền móng cho kinh tế Hàn Quốc phát triển. Tuy nhiên, phe chỉ trích cho rằng ông bắt và tra tấn những người bất đồng chính kiến. Ông bị giám đốc tình báo quốc gia ám sát trong một buổi tiệc năm 1979.

Trong ảnh, ông Park Chung-hee và con gái Park Geun-hye bỏ phiếu ở Seoul năm 1977.

Chun Doo-hwan (1980 – 1988)

Thiếu tướng Chun Doo-hwan cùng bạn bè trong quân đội điều xe tăng và binh sĩ vào thủ đô Seoul đảo chính nắm quyền, chấm dứt chính phủ lâm thời của quyền tổng thống Choi Kyu-hah.

Chun được bầu làm tổng thống trong một cuộc bầu với toàn cử tri ủng hộ ông. Năm 1987, hàng loạt phong trào ủng hộ dân chủ lớn nổ ra buộc ông phải chấp nhận sửa hiến pháp cho phép bầu cử tổng thống trực tiếp.

Hết nhiệm kỳ, Chun sống lưu vong trong hai năm tại một ngôi chùa Phật giáo hẻo lánh khi bị kêu gọi trừng phạt vì tham nhũng và lạm dụng nhân quyền.

Trong ảnh, ông Chun trong phiên xét xử đầu tiên với cáo buộc tham nhũng tại một tòa án ở Seoul tháng 2/1996.

Roh Tae-woo (1988 – 1993)

Roh Tae-woo, bạn của Chun trong quân đội và được ông chọn làm người kế nhiệm, thắng cử năm 1987 chủ yếu do lượng phiếu bầu cho phe đối lập bị chia nhỏ vì họ có nhiều ứng viên. Ông chủ trì Olympic Seoul năm 1988.

Năm 1995, cả Chun và Roh đều bị bắt với cáo buộc nhận hàng trăm triệu USD từ các doanh nhân khi còn đương nhiệm. Họ còn bị truy tố với cáo buộc nổi loạn và phản bội từ cuộc đảo chính của Chun và cuộc trấn áp đẫm máu năm 1980 làm hàng trăm người biểu tình ủng hộ dân chủ thiệt mạng tại thành phố miền nam Gwangju.

Chun lĩnh án tử hình còn Roh lĩnh án tù 22 năm rưỡi. Họ được ân xá tháng 12/1997.

Trong ảnh, ông Roh ra tòa để xét xử với cáo buộc nhận hối lộ từ các doanh nhân vào tháng 12/1995.

Kim Young-sam (1993 – 1998)

Kim Young-sam đắc cử chính thức chấm dứt chính quyền quân sự. Ông bắt Chun và Roh, triển khai chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn.

Tuy nhiên, ông Kim quản lý kinh tế yếu kém, dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính 1997 – 1998 khiến một số tập đoàn của Hàn Quốc sụp đổ, buộc chính phủ phải chấp nhận gói cứu trợ 58 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Ông kết thúc nhiệm kỳ với bê bối con trai bị bắt và ngồi tù do tham nhũng.

Trong ảnh, ông Kim cúi đầu khi đọc bài phát biểu xin lỗi vì tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế tháng 12/1997.

Kim Dae-jung (1998 – 2003)

Kim Dae-jung, từng bị tòa án quân sự dưới thời Chun kết án tử hình, trở thành tổng thống Hàn Quốc và tổ chức hội nghị thượng đỉnh chưa từng có với lãnh đạo Triều Tiên khi đó Kim Jong-il năm 2000. Kim Dae-jung được trao giải Nobel Hòa bình trong cùng năm.

Ông rời nhiệm sở vì bê bối tham nhũng liên quan đến các trợ lý cùng ba người con trai và những khoản tiền mặt đáng ngờ gửi đến Triều Tiên ngay trước hội nghị thượng đỉnh.

Trong ảnh, ông Kim Dae-jung và ông Kim Jong-il trong cuộc gặp hồi tháng 6/2000.

Roh Moo-huyn (2003 – 2008)

Roh Moo-huyn tự tử năm 2009, một năm sau khi rời phủ tổng thống Nhà Xanh, giữa những cáo buộc thành viên gia đình ông nhận hối lộ 6 triệu USD từ một doanh nhân khi ông còn đương chức.

Anh của Roh bị kết án tù hai năm rưỡi năm 2009 vì lạm dụng quyền lực và được ân xá sau đó.

Ông Roh bị nghi ngờ vận động bầu cử trái luật vào năm 2004. Tuy nhiên, việc này lại tạo ra phản ứng mạnh mẽ từ công chúng giúp đảng của ông thắng lớn trong bầu cử quốc hội. Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc sau đó kết luận ông không bị mất chức vì những hành động của mình.

Lee Myung-bak (2008 – 2013)

Lee Myung-bak đắc cử nhờ cam kết chống tham nhũng. Tuy nhiên, khi gần kết thúc nhiệm kỳ, ông phải chứng kiến con trai duy nhất và anh trai bị chỉ trích vì cáo buộc vi phạm trong việc tài trợ cho ngôi nhà để ông nghỉ hưu.

Một người anh em trai khác của Lee bị bắt vì nhận hối lộ từ các nhân viên ngân hàng và ngồi tù 14 tháng. Ông Lee mô tả các bê bối tham nhũng mà gia đình và trợ lý có liên quan là "điều đáng buồn".

Trong ảnh, ông Lee phát biểu xin lỗi cả nước về hàng loạt bê bối liên quan đến các cựu trợ lý và anh trai tháng 7/2012.

Park Geun-hye

Park Geun-hye nhậm chức tổng thống Hàn Quốc năm 2013 với nhiệm kỳ kéo dài 5 năm. Bà đang vướng vào bê bối chính trị liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sil.

Choi Soon-sil, 60 tuổi, bị tố lợi dụng mối quan hệ với bà Park để can thiệp vào các vấn đề quốc gia và có khả năng đã tiếp cận tài liệu mật. Choi thừa nhận nhận các bản thảo bài phát biểu của tổng thống sau khi bà Park đắc cử nhưng bác bỏ cáo buộc trên.

Bà Park chấp nhận để các công tố viên thẩm vấn và đã thuê luật sư làm đại diện pháp lý. Công tố viên Hàn Quốc ngày 20/11 cho rằng bà Park cấu kết với bà Choi, có "vai trò đáng kể" trong hành động phạm tội, thay đổi vị thế bà Park từ một nhân chứng thành nghi phạm. Luật sư của bà Park bác bỏ bình luận trên, cho rằng đây là "sự tưởng tượng".

Như Tâm (Ảnh: AP)