Thứ ba, 19/3/2024
Thứ tư, 16/3/2016, 09:15 (GMT+7)

Diễn biến gần 6 tháng Nga can thiệp vào Syria

Nga bắt đầu chiến dịch không kích khủng bố ở Syria từ cuối tháng 9 năm ngoái, gây thiệt hại đáng kể cho các nhóm phiến quân như Nhà nước Hồi giáo nhưng cũng vấp phải sự chỉ trích từ phương Tây cùng những tổ chức giám sát.

Cuối tháng 9/2015

Thượng viện Nga chính thức cho phép Nga triển khai không kích tại Syria sau khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad đề nghị Tổng thống Vladimir Putin hỗ trợ quân sự.

Bộ Quốc phòng Nga thông báo về các đợt không kích đầu tiên vào ngày 30/9. Nga tuyên bố họ nhằm vào những mục tiêu khủng bố, bao gồm Nhà nước Hồi giáo (IS) trong khi các bên quan sát tố Moscow chủ yếu tấn công phe đối lập được cho là "ôn hòa" đang chống chính quyền al-Assad. Washington cáo buộc Moscow "đổ thêm dầu vào lửa".

Nga sử dụng hàng chục máy bay ném bom, chiến đấu cơ các loại như Su-24M, Su-25, Su-27, Su-30, Su-34, Tu-95MS... để triển khai không kích. Nước này không công bố số binh sĩ cụ thể ở Syria nhưng Mỹ ước tính có khoảng 3.000 đến 6.000 lính Nga tại đây.

Trong ảnh, Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp với thành viên Hội đồng An ninh ở ngoại ô Moscow, Nga, ngày 29/9/2015. Ảnh: Reuters.

2/10 - 10/10

Nga cho biết đã không kích vào nhiều sở chỉ huy, trung tâm liên lạc, kho vũ khí và trung tâm huấn luyện của các phần tử khủng bố.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) kêu gọi điều tra Nga do nghi ngờ vi phạm các nguyên tắc trong chiến tranh. Nhiều quốc gia trong liên minh quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu kêu gọi Nga dừng tấn công phe đối lập ở Syria.

Phi cơ Su-34 thả bom xuống mục tiêu khủng bố ở Syria. Ảnh: AP.

21/10

Tổng thống Assad cảm ơn ông Putin vì đã hỗ trợ quân sự trong cuộc khủng hoảng Syria. Ông ca ngợi nhà lãnh đạo Nga bởi sự can thiệp chống "chủ nghĩa khủng bố" này là một trong những bước ngoặt trong cuộc chiến tranh đã kéo dài 4 năm rưỡi.

Tổng thống Nga Putin tiếp người đồng cấp Syria Assad tại thủ đô Moscow, tháng 10/2015.. Ảnh: RIA Novosti.

Máy bay Nga bốc cháy, lao xuống đất
 
 

Tháng 11 - 12/2015

Xuất hiện thông tin Nga bắt đầu điều bộ binh đến Syria tham chiến, tiếp đó là Moscow bị nghi điều động thêm cả T-90, xe tăng hiện đại nhất của họ.

Moscow phủ nhận thông tin mở rộng can thiệp quân sự ở Syria ngoài không kích và tuyên bố binh sĩ Nga không chiến đấu trên bộ.

Xe tăng T-90. Ảnh: RIA Novosti.

Tháng 12/2015

Tổng thống Putin cảnh báo Nga sẵn sàng tăng quy mô can thiệp quân sự ở Syria, một ngày sau khi Moscow từ chối tham gia một kế hoạch của Liên Hợp Quốc nhằm chấm dứt chiến tranh. Ảnh: Reuters.

Ngày 13/2

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói thế giới đang rơi vào một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" sau khi các lãnh đạo châu Âu lên án chiến dịch không kích của nước này ở Syria và kêu gọi Tổng thống Putin chấm dứt hành động quân sự để làm tiền đề cho đàm phán hòa bình.

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain bày tỏ quan ngại ông Putin đang tìm cách vũ khí hóa cuộc khủng hoảng tị nạn "để chia rẽ khối liên minh xuyên Đại Tây Dương và làm xói mòn châu Âu". Ảnh: RIA Novosti.

Tháng 1/2016

Được Nga không kích yểm trợ, binh sĩ trung thành với chính phủ Assad chiếm lại phần lãnh thổ chiến lược gần Latakia, chiến thắng lớn ngày trước khi các cuộc đàm phán hòa bình có thể được tổ chức ở Geneva, Thụy Sĩ. Đồ họa: IHS Janes.

Tháng 3/2016

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), trụ sở Anh, tố Nga không kích làm hơn 4.400 người thiệt mạng, trong đó có hơn 1.700 dân thường, trong thời gian từ tháng 9/2015 đến đầu tháng 3/2016.

Nga bác bỏ thông tin có dân thường thiệt mạng trong các đợt không kích do Moscow thực hiện, gọi cáo buộc từ những tổ chức nhân quyền là "sáo rỗng và giả tạo".

Một đứa trẻ được đưa ra khỏi đống đổ nát ở Aleppo, Syria. Ảnh: AA.

Tổng thống Nga Putin ra lệnh rút quân khỏi Syria
 
 

Như Tâm