Thứ năm, 16/1/2025
Chủ nhật, 14/9/2014, 14:14 (GMT+7)

Cuộc sống của con tin người Anh trước khi bị hành quyết

David Haines, nhân viên cứu trợ người Anh, đã hai lần lập gia đình và có hai con gái. Ông từng làm việc tại nhiều khu vực nguy hiểm trước khi đến Syria, bị bắt cóc rồi hành quyết.

David Haines, 44 tuổi, sinh ra ở Humberside, vùng Đông Yorkshire, Anh. Ông lớn lên tại Scotland và từng theo học tại Học viện Perth. Hồ sơ cá nhân trực tuyến của Haines cho biết ông từng làm việc cho một công ty cung cấp hàng tiêu dùng cho quân đội khắp thế giới, nhưng công ty trên chưa đưa ra bình luận nào về thông tin này. Ảnh: Mirror.

Haines lập gia đình lần đầu và sinh sống tại Scotland. Ông và vợ, bà Louise, có một con gái, hiện 17 tuổi, trước khi hai người ly dị. Ảnh: See TV.

Haines sau đó quyết định làm việc cho các cơ quan cứu trợ quốc tế và hoạt động tại những nơi nguy hiểm nhất trên thế giới. Ông gặp người vợ thứ hai, bà Dragana, ở Croatia trong thời gian làm việc tại quốc gia này. Ảnh: Mirror.

Hai người làm lễ cưới vào năm 2010, sau đó định cư tại Sisak, thị trấn gần khu vực Haines phải giám sát công việc cứu trợ. Jozefina Visnjic, một người hàng xóm, cho biết Haines "thường đi cùng vợ và xe nôi chở con của hai người". "Anh ấy luôn nói xin chào. Mọi người tin anh ấy là người tốt", Visnjic nói. Trong ảnh là căn hộ của Haines ở Sisak. Ảnh: BBC.

Haines chụp ảnh cùng người vợ thứ hai và con gái, hiện 4 tuổi. Ảnh: Telegraph.

Haines tiếp tục công việc cứu trợ vào tháng 3/2013, sau khi gia nhập Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật và Phát triển (ACTED), một tổ chức cứu trợ từ thiện quốc tế. Ông hỗ trợ chuyển nước sạch, thực phẩm và lều để ứng phó với tình trạng khủng hoảng nhân đạo gia tăng ở trại tị nạn Atmeh, tỉnh Idliba, gần khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Trong ảnh, trại tị nạn Atmeh, nơi Haines từng làm công việc viện trợ nhân đạo. Ảnh: AP.

Haines cùng Federico Motka, đồng nghiệp người Italy, bị bắt cóc hôm 12/3/2013, 10 ngày sau khi đặt chân đến Atmeh. Motka sau đó được nhóm bắt cóc trả tự do vào tháng 5, sau khi gia đình trả tiền chuộc. Ảnh: Telegraph.

Haines từng xuất hiện trong đoạn video hành quyết nhà báo Mỹ thứ hai Steven Sotloff do nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đăng tải hôm 2/9. Trong video, kẻ áo đen trùm kín mặt đưa ra lời đe dọa tính mạng đối với Haines, đồng thời cảnh báo chính phủ các nước rằng đừng tham gia vào "liên minh ma quỷ của Mỹ chống lại Nhà nước Hồi giáo". Ảnh: Reuters.

Nhân viên cứu trợ người Anh này được cho là đã bị IS chặt đầu trong đoạn video nhóm khủng bố đăng tải hôm qua. Bộ Ngoại giao Anh cho biết đang tìm cách xác thực đoạn video nhanh nhất có thể, còn Thủ tướng Anh David Cameron gọi hành động của IS là "thuần ác" và thề sẽ đưa kẻ giết người ra xét xử. Ảnh: Reuters.

Như Tâm