Thứ ba, 26/11/2024
Thứ năm, 8/5/2014, 18:45 (GMT+7)

Bên trong giàn khoan 981 của Trung Quốc

Giàn khoan HD-981 mà Trung Quốc hạ đặt phi pháp trong vùng biển Việt Nam được xem như một hàng không mẫu hạm trong ngành khai thác dầu khí của nước này.

Giàn khoan Hải Dương-981 (HD-981) thuộc sở hữu của Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC), doanh nghiệp lớn nhất nước này trong lĩnh vực khai thác dầu khí. HD-981 được bàn giao cho CNOOC vào năm 2011, sau hơn 3 năm thi công với tổng kinh phí gần một tỷ USD. Ảnh: offshore energy today

Đây là giàn khoan bán chìm thuộc thế hệ thứ sáu, dài 114 m, rộng 89 m, cao 117 m và nặng 31.000 tấn, có bãi đỗ cho trực thăng. Kích cỡ của nó tương đương với một sân bóng đá. Ảnh: Xinhua

HD-981 đi vào hoạt động trên Biển Đông từ đầu tháng 5/2012, được xem là "một bước tiến đáng kể" trong ngành công nghiệp khai thác dầu khí biển của Trung Quốc. Trong hình là thủy thủ đoàn đang chứng kiến mũi khoan đầu tiên xuống biển của HD-981. Ảnh: Xinhua 

Giàn bắt đầu khoan ở vùng biển cách Hong Kong 320 km về phía đông nam, ở độ sâu 1.500 m. Độ sâu hoạt động tối đa của nó là 3.000 m và độ khoan sâu tối đa là 10.000 m. Ảnh: Xinhua 

HD-981 được trang bị 8 máy phát điện 44.000 kilowatt, động cơ đẩy với sức mạnh mỗi động cơ tương đương 5 đầu máy xe lửa. Các động cơ đẩy sẽ chống lại tác động từ gió, sóng và dòng chảy của đại dương. Trong hình là một lối đi ở đáy giàn khoan. Ảnh: Xinhua 

Phòng điều khiển trung tâm ở bên trong HD-981. Ảnh: Xinhua 

Các đầu bếp chuẩn bị bữa ăn cho thủy thủ đoàn của HD-981. Ảnh: Xinhua

Phòng ăn trên giàn khoan. Ảnh: Xinhua

Hành lang khu phòng ngủ của thủy thủ. HD-981 có 160 thủy thủ. Ảnh: Xinhua

Là nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới, Trung Quốc cũng là nhà tiêu thụ năng lượng lớn nhất toàn cầu. Việc xây dựng HD-981 là một bước đi tốn kém để CNOOC thực hiện tham vọng khai thác dầu khí tại các vùng dồi dào mà không phải phụ thuộc vào các công ty cung cấp dàn khoan của phương Tây. Ảnh: China News

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá giàn khoan này thực chất còn là một bước đi được tính toán kỹ lưỡng của Bắc Kinh. Nó được sử dụng như một lãnh thổ di dộng nhằm phục vụ cho mục đích bành trướng chủ quyền của Trung Quốc. Việt Nam đã kịch liệt phản đối việc NOOC đưa HD-981 đến tác nghiệp từ ngày 2/5 đến 15/8 tại vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam ưu tiên sử dụng giải quyết căng thẳng một cách hòa bình để đối phó với sự xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Anh Ngọc