Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ năm, 27/10/2016, 14:32 (GMT+7)

Ba ngày chủ trì các hội nghị quốc tế Mekong của Thủ tướng

Thủ tướng Việt Nam và lãnh đạo các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong đã dành ba ngày để thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường kết nối và phát triển bền vững trong khu vực.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam là nước chủ nhà tổ chức hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Mekong (WEF - Mekong). Hội nghị này và Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 7 (ACMECS 7), Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 8 (CLMV 8) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 24/10 đến 26/10.

Trong cơ chế ACMECS, Ayeyawady là tên dòng sông ở Myanmar, Chao Phraya là con sông ở Thái Lan.

Tham dự các hội nghị có lãnh đạo các nước thành viên, lãnh đạo WEF, Liên Hợp Quốc (LHQ), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ABD) và 160 doanh nghiệp thành viên WEF. Ảnh: AFP

Thủ tướng Việt Nam nhận định Mekong là điểm kết nối quan trọng của châu Á và là thị trường giàu tiềm năng, với dân số 240 triệu người và GDP trên 660 tỷ USD. Tuy nhiên khu vực cũng gặp phải nhiều thách thức, như khoảng cách phát triển với các nền kinh tế khác trong ASEAN còn lớn, lợi thế lao động chi phí thấp đang giảm dần, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo... Vì vậy, Thủ tướng hy vọng các doanh nghiệp trong khu vực có thể đối thoại với doanh nghiệp WEF về các ý tưởng, biện pháp tăng cường đối tác công - tư, phát triển hợp tác kinh doanh, đầu tư mang lại lợi ích cho các bên. Ảnh: AFP

Phát biểu tại phiên khai mạc ACMECS và CLMV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay đại diện các nước sẽ thảo luận về môi trường phát triển mới, thống nhất các nội dung và biện pháp hợp tác để xây dựng một khu vực kinh tế năng động, cạnh tranh, phát triển bền vững và bao trùm. Ảnh: Thành Trung

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phải, đón Thủ tướng Campuchia Hun Sen đến tham dự các hội nghị. Campuchia thời gian gần đây cũng gặp tình trạng hạn hán nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và thiếu nguồn nước từ Mekong. Ảnh: Reuters

Trong Tuyên bố Hà Nội sau kết thúc hội nghị ACMECS, lãnh đạo Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan cam kết tăng phối hợp với Ủy hội sông Mekong (MRC) và các cơ chế khu vực khác, nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn nguồn nước xuyên biên giới và các nguồn tài nguyên khác liên quan. Các nước cũng cam kết thúc đẩy phát triển xanh, ứng phó biến đổi khí hậu và giải quyết vấn đề ấm lên toàn cầu. Ảnh: Reuters

Sau hội nghị CLMV, lãnh đạo 4 nước nhấn mạnh mục tiêu chính của hợp tác là xây dựng năng lực hội nhập và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm tại tiểu vùng. Ảnh: Reuters

 

Hội đàm với Thủ tướng Lào Thoonglun Sisulith, trái, nhân dịp đến Việt Nam tham dự các hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai nước cần bàn biện pháp để tăng cường kim ngạch thương mại song phương. Hai nhà lãnh đạo cũng bàn về việc tổ chức kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào vào năm 2017. Ảnh: Reuters

Trong tiệc chiêu đãi lãnh đạo các nước và các tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chính những nét tương đồng văn hóa truyền thống đã gắn bó các nước Mekong trong suốt chiều dài lịch sử. Các nước Mekong sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để phát triển kinh tế, hội nhập khu vực và cùng nhau gìn giữ hòa bình, hướng đến thịnh vượng chung cho người dân.

Thủ tướng hy vọng Hội nghị WEF sẽ mở ra nhiều triển vọng mới, là luồng gió mát lành mang đến nhiều nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến từ các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu sẽ tới khu vực Mekong. Ảnh: Thống Nhất

Đón tiếp Phó thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak, trái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt người dân Việt Nam chia sẻ với nhân dân Thái Lan về việc Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã qua đời.

"Chúng tôi hết sức khâm phục và kính trọng Quốc vương vì những cống hiến của Ngài đối với sự phát triển của đất nước Thái Lan”, Thủ tướng bày tỏ. Ảnh: Reuters

Hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam dịp này, Tổng thống Myanmar Htin Kyaw (trái) cho biết Myanmar hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực như thủy sản, trồng và chế biến cà phê, hồ tiêu, hạt điều ở Myanmar do có thời tiết và khí hậu giống nhau. Hai bên cũng có thể mở thêm đường bay thẳng của các hãng hàng không Việt Nam kết nối hai nước. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, trái, khi tham dự các hội nghị của các nước Mekong nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên của Hiệp hội. Ảnh: Reuters

 

Chủ trì cuộc họp báo quốc tế kết thúc các hội nghị chiều qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Việt Nam phải thấy được điểm yếu của mình là gì và trách nhiệm của mình trong nội khối như thế nào.Việt Nam phải đặt vấn đề nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh để thuộc nhóm đầu ASEAN chứ không chỉ trong nhóm CLMV. Ảnh: Thành Trung

Việt Anh