Thứ ba, 19/3/2024
Thứ tư, 28/6/2017, 11:25 (GMT+7)

Máy bay quân sự khắp thế giới khoe tài trên bầu trời Paris

Triển lãm hàng không Paris quy tụ các nhà sản xuất máy bay hàng đầu và những phi cơ hiện đại nhất thế giới.

Triển lãm hàng không quốc tế Paris 2017 được tổ chức tại sân bay Le Bourget, ngoại ô Paris từ ngày 19 đến 25/6. Đây là nơi tập trung hàng chục mẫu máy bay dân dụng và quân sự từ các nhà sản xuất trên khắp thế giới, Livejournal đưa tin.

Siêu tiêm kích F-35A biểu diễn trên bầu trời Paris
 
 

Siêu tiêm kích F-35A biểu diễn trên bầu trời Paris.

Triển lãm được khai mạc bằng màn biểu diễn của đội bay Patrouille Acrobatique de France với những tiêm kích huấn luyện Dassault Alpha Jet, cùng với sự xuất hiện của máy bay chở khách Airbus A380 lớn nhất thế giới.

Nước chủ nhà Pháp đã mang tới tiêm kích Rafale hiện đại nhất của mình.

Các màn biểu diễn không chỉ làm người xem ấn tượng, chúng còn thể hiện tính năng của máy bay trước những khách hàng tiềm năng.

Trực thăng tấn công đa năng Eurocopter Tiger thực hiện màn bay biểu diễn. Đây là mẫu trực thăng đầu tiên được chế tạo hoàn toàn từ vật liệu composite ở châu Âu, trang bị nhiều tính năng tiên tiến như buồng lái điện tử, công nghệ tàng hình giới hạn và khả năng sống sót cao. Tiger được biên chế cho quân đội Pháp và Đức từ năm 2003.

Trực thăng vận tải đa dụng NH90 là sản phẩm liên doanh giữa các tập đoàn hàng không mạnh của châu Âu như Airbus, Leonardo và Fokker.

Máy bay vận tải hạng trung Airbus A400M được tập đoàn Airbus phát triển, đáp ứng khả năng chuyên chở chiến thuật. A400M có tải trọng lớn hơn vận tải cơ C-130 của Mỹ, đồng thời có khả năng cất hạ cánh trên đường băng dã chiến.

Brazil mang tới mẫu vận tải cơ Embraer KC-390. Hiện mới chỉ có hai chiếc KC-390 được chế tạo, dự kiến bắt đầu sản xuất hàng loạt từ năm 2018. Sự xuất hiện của máy bay này được đánh giá là động thái quảng cáo sản phẩm của nhà sản xuất Embraer.

Máy bay vận tải An-132 là dự án liên doanh giữa Ukraine và Arab Saudi. Nó được phát triển từ nền tảng vận tải cơ An-32 dưới thời Liên Xô, sử dụng động cơ và hệ thống điện tử do Mỹ chế tạo.

Tử Quỳnh (Ảnh: Maria Lystseva)