Thứ ba, 19/3/2024
Thứ năm, 18/5/2017, 11:01 (GMT+7)

Dàn radar Nga có thể phát hiện quả bóng kim loại từ 2.000 km

Nằm trong tổ hợp chống tên lửa đạn đạo A-135 ở ngoại ô Moscow, radar Don-2N có thể phát hiện mục tiêu từ mọi hướng ở khoảng cách cực xa.

Don-2N (NATO định danh: Pill Box) là radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo A-135 "Amur", được Nga biên chế từ năm 1989 và đi vào hoạt động từ năm 1996, theo English Russia.

Đài radar này có nhiệm vụ phát hiện, cảnh báo sớm và cung cấp dữ liệu mục tiêu tên lửa đạn đạo để hệ thống A-135 phóng đạn đánh chặn, bảo vệ thủ đô Moscow, Nga.

Công trình này có hình kim tự tháp đỉnh bằng, cạnh đáy dài 130 m, cạnh đỉnh dài 90 và chiều cao 33 m. Mỗi mặt kim tự tháp được trang bị một radar PESA đường kính 18 m hoạt động ở tần số siêu cao, cho phép tổ hợp Don-2N phát hiện mục tiêu từ mọi hướng.

Tổ hợp chống tên lửa đạn đạo của Nga khai hỏa
 
 

Hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo A-135 khai hỏa.

Hệ thống PESA cho phép loại bỏ cơ cấu quay của radar thông thường. Mỗi mặt radar PESA sẽ quản lý một khu vực không phận riêng, cung cấp cái nhìn toàn cảnh và liên tục cho kíp vận hành.

Don-2N được quản lý và điều khiển bởi siêu máy tính Elbrus-2 do Liên Xô chế tạo. Kíp vận hành chính gồm 3 người, trong đó chỉ huy đài radar ngồi giữa có nhiệm vụ kiểm soát chung.

Tổ hợp radar này có thể chuyển sang chế độ tự động nếu kết nối đến trung tâm chỉ huy và điều khiển bị ngắt.

Trong một thử nghiệm chung được Mỹ và Nga tiến hành năm 1994, tàu con thoi Discovery thả hàng loạt quả cầu kim loại để làm mục tiêu cho Don-2N và các trạm radar của Mỹ. Kết quả cho thấy đài radar này có thể nhận dạng chính xác quả cầu đường kính 5 cm, to hơn quả bóng golf một chút, từ khoảng cách tới 2.000 km.

Với mục tiêu là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, Don-2N có tầm phát hiện khoảng 3.700 km.

Khu vực xung quanh đài Don-2N được lắp nhiều tấm chắn hấp thụ sóng vô tuyến, nhằm bảo vệ các sinh vật tự nhiên, ngăn chúng bị nướng chín bởi sóng radar có cường độ rất mạnh.

Trong trường hợp cần thiết, Don-2N có thể dẫn bắn cho 20 tên lửa đánh chặn khác nhau. Trong kế hoạch tấn công hạt nhân phủ đầu (SIOP) vào năm 1998, quân đội Mỹ dành riêng 69 đầu đạn chỉ để tiêu diệt đài radar này.

Tuy có khả năng phát hiện mục tiêu rất xa, A-135 đang dần trở nên lỗi thời và sẽ sớm được Nga thay thế bằng hệ thống phòng thủ tên lửa A-235 Nudol được cho là có tầm xa và độ chính xác cao hơn.

Tử Quỳnh (Ảnh: English Russia)