Thứ ba, 19/3/2024
Chủ nhật, 4/1/2015, 10:29 (GMT+7)

Người Việt hòa chung không khí đón năm mới ở Nhật

Sống tại Nhật Bản, người Việt chung vui cùng không khí đón cái Tết dương với nước bạn, như xếp hàng đi viếng đền, sum họp bạn bè, hay tranh thủ mua sắm khi vào mùa giảm giá.

Người Nhật bắt đầu nghỉ Tết từ ngày 1/1 và thường kéo dài đến hết tuần 4/1. Họ thường đi viếng đền, chùa để cầu một năm mới tốt lành cho cả gia đình. Từ đêm 31, Lâm Phong, chàng trai vừa học xong thạc sĩ tại Nhật, cùng các bạn đến viếng một ngôi đền cạnh nơi anh ở. Xếp hàng chờ đến lượt viếng xong thì đã sang năm mới, anh nán lại cùng bạn bè xuýt xoa trong giá lạnh, để cảm nhận một năm mới đã về.

Đến ngày 3/1, đền ở Nhật vẫn còn đông nghịt người viếng thăm. Vợ chồng Vinh-Thu, người Việt đang làm việc tại Nhật, và nhóm bạn đồng hương đến viếng đền Meiji, một ngôi đền lớn ở Tokyo, từ sáng sớm.

Xếp hàng cả tiếng với vào đến nơi làm lễ, nhưng họ rất vui vì một người bạn đi cùng cho biết, vào đêm cuối cùng của năm, thường phải xếp hàng trước hàng chục tiếng và kéo dài cả cây số mới vào được. Người rất đông, nhưng công tác tổ chức vẫn rất quy củ. 

Cũng giống như người Việt, Tết với người Nhật là dịp để mọi người về quê, xum họp với gia đình. Với những người Việt xa quê, thì đây là dịp để quây quần bạn bè với nhau. Anh chị Vinh-Thu (ảnh) đi siêu thị từ mấy ngày trước, để ngày mùng 1 hội họp với đám bạn tại nhà. Ở đây, những dịp sum họp đông đủ như vậy không phải là dễ do mọi người đều bận rộn suốt năm.

Mùa Đông Nhật Bản rất lạnh. Đám lá vàng, lá đỏ rụng hết. Những công viên mùa nắng ấm bạt ngàn hoa giờ phải nhường chỗ cho sương giá. Nên với các bạn trẻ, thì đặc sản mùa này là trượt tuyết.

Sau một đêm đi xe buýt, đôi bạn T-K cùng đám bạn đã đến được nơi trượt tuyết ở tỉnh Niigata. Lạnh tưởng như rụng cả mũi, ngã đau tưởng gẫy chân, nhưng T nói, ai đã thử một lần trượt tuyết rồi, thì mê là cái chắc.

Người Nhật rất thích đón ánh mặt trời đỏ rực ló lên sau đỉnh núi vào ngày đầu tiên của năm mới. Nhiều người Việt cùng bạn bè người Nhật lên những ngọn núi như Takao hoặt Phú Sĩ, đón mặt trời lên. Trong ảnh là ngọn núi Phú Sĩ một ngày nhiều mây gió.

Niềm vui thích của người dân Nhật những ngày này còn là “nhà nhà giảm giá”. Giảm 50 - 80%. Sau một năm làm việc vất vả, với nhóm bạn của Lâm Phong, đây cũng là cách “tự thưởng” hiệu quả với bản thân mà giảm thiểu tác động tới túi tiền. 

Riêng Lâm Phong, anh đã xếp hàng nhiều giờ để mua được chiếc "túi may mắn" trên. Anh rối rít khoe: “Chi 5.400¥ (khoảng 1 triệu VND) được 4 món tổng giá tag 27.500¥ (khoảng 5 triệu) thì cũng không tệ”. Ngày đầu năm, trước nhiều cửa hàng lớn ở Tokyo có những hàng dài người chờ mua được “túi may mắn” trên. Gọi là túi may mắn, vì giá trị trong đó lớn hơn gấp nhiều lần món tiền mà khách phải trả. Lâm Phong đang mơ có ngày chỉ chi khoảng 4 triệu thôi, mà mua được “túi may mắn” có cả iphone6, ipad nữa.

Trượt tuyết, ngắm mặt trời hay shopping - là thú vui của những người lớn. Còn với những em bé như bé Gô, được sinh ra ở Nhật, sau nhiều ngày bị cấm cung, hôm nay trời ấm, cậu được cùng bố mẹ ra tận bờ biển "hóng gió". Ngày Tết, cửa hàng và các khu vui chơi ở Nhật thường chỉ đóng cửa mùng 1 nhưng sau đó đều rất đông. Đa số các nơi, để vào chơi được một trò, phải xếp hàng cả nhiều tiếng.

Dịp này, người ở Tokyo đi về quê và du lịch nhiều, nên tàu điện ngầm rất thưa khách. Trong dịp nghỉ năm mới báo chí Nhật liên tục thống kê về lượng người sử dụng tàu điện ngầm, máy bay, xe buýt. Nhưng có lẽ nóng nhất là tin về những đoạn cao tốc bị tắc nghẽn hàng chục km, chứ không phải thống kê về số người thiệt mạng do tai nạn giao thông. 

Tuệ Anh (từ Tokyo)