Thứ ba, 19/3/2024
Thứ sáu, 16/9/2016, 22:58 (GMT+7)

Ngày tựu trường của trẻ em gốc Việt ở Đức

Xúng xính váy áo và cặp sách mới, các em bé người Việt được bố mẹ đưa đi tựu trường cùng bạn bè Đức.

Trẻ em ở Đức bắt đầu đi học khi đủ 6 tuổi. Ngày khai giảng được coi là bước ngoặt quan trọng của cuộc đời nên ông bà, bố mẹ và người thân trong gia đình đều sắp xếp công việc để đưa con em đến trường.

Ngoài những bộ váy và cặp sách mới, túi khai trường là món đồ truyền thống mà học sinh Đức luôn mang theo trong ngày này.

Tại Đức, thời gian nghỉ hè và khai giảng năm học mới do mỗi bang quy định. Học sinh của mỗi hai lớp được ghép chung để cùng dự lễ khai giảng, thay vì tập trung toàn trường như ở Việt Nam. 

Chương trình văn nghệ chào mừng ngày khai trường thường do các học sinh khóa trên đảm nhiệm. Trong ảnh là màn biểu diễn tại trường trung học cơ sở quận Lichtenberg, Berlin. 

Một đại biểu quốc hội Đức cũng có mặt và gửi lời chúc mừng năm học mới tới các em.

Lễ khai giảng thường được tổ chức ngắn gọn, sau đó các học sinh nhận lớp, nhận bàn và học buổi đầu tiên khoảng 30 phút. Trước khi nhập học, các em đã được kiểm tra về trí tuệ và khả năng tiếp thu.

Thông thường mỗi lớp có không quá 24 học sinh, do hai cô giáo phụ trách, trong đó một người giảng dạy và một người quản lý sau giờ học tại trường. Học sinh các cấp ở Đức, kể cả đại học, không phải đóng học phí. 

Học sinh gốc Việt tại Đức có thành tích học tập được đánh giá là tốt nhất trong cộng đồng người nhập cư ở nước này, thậm chí có những em còn giỏi hơn học sinh bản địa.

Sau khi khai trường, các gia đình thường tổ chức vui chơi, liên hoan cùng nhau. Hiện có khoảng 125.000 người Việt Nam sinh sống, định cư tại Đức, trong đó có gần một nửa là thế hệ thứ hai, những người sinh ra và lớn lên tại Đức.

Thế Sáng