Thứ ba, 19/3/2024
Thứ tư, 22/10/2014, 10:28 (GMT+7)

Lao động Việt ở thượng nguồn Amazon

Cả vùng Loreto rộng lớn với diện tích lên đến 369.000 km2 , nhỉnh hơn Việt Nam, chỉ có 6 người Việt làm việc trong lĩnh vực viễn thông, trong đó có Đồng, thợ công trình của Viettel.

Trần Xuân Đồng, 28 tuổi (quê Ứng Hòa, Hà Nội) nhận lệnh đi kiểm tra trạm viba số 39 được lắp đặt cách đấy mấy tháng bên sông Marañón (chi nhánh thượng lưu của sông Amazon thuộc vùng Loreto, Peru). Trước khi tới bến tàu ở tỉnh Nauta, Đồng đã đi xe ôtô, vượt quãng đường gần 100 km từ thành phố Iquitos tới đây. Trong lúc chờ tàu, anh tranh thủ chuyện trò cũng mấy người dân bản địa mà anh từng thuê bốc dỡ hàng mấy tháng trước. Đặt tay lên chiếc cột bêtông, chàng trai gốc Hà Tây cũ bảo, mùa mưa nước sông dâng lên che kín chiếc cột này.

Lần kiểm tra công trình này, Đồng đi tàu cao tốc. Để đến được trạm 39, chiếc tàu vỏ sắt gắn máy Honda 200 sức ngựa, có 12 chỗ ngồi này phải chạy ngược dòng sông trong khoảng thời gian hơn 4 tiếng. Công ty Công trình thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) mà Đồng làm việc đã cho xây dựng 12 trạm viba truyền dẫn sóng dọc theo chiều dài 700 km trên sông Marañón. Mùa nước cạn, để đến được trạm xa nhất giáp tỉnh San Martin phía thượng nguồn, phải mất hơn hai ngày ngồi tàu cao tốc. Nếu đi tàu thường, phải mất một tuần mới đi hết quãng sông này.

Marañón, một trong những nguồn nước quan trọng bậc nhất của Peru và là nhánh chính của sông Amazon. Bắt nguồn từ vùng núi băng giá Nevado de Yapura trên dãy Andes, Marañón với độ dài hơn 1.700 km chảy xuyên qua Peru về phía tây bắc trước khi chuyển qua hướng đông gặp sông Ucayali và tạo thành sông Amazon hùng vĩ.

14% trong tổng số 30 triệu dân Peru sống trong các khu làng, đô thị dọc theo sông Marañón. Cuộc sống của rất nhiều người phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lợi do dòng sông  cung cấp, trong đó phải kể đến việc đánh bắt cá.

Chợ Nanay (thuộc thành phố Iquitos, tỉnh Loreto) bên sông  Marañón lúc về chiều. Cá đủ các chủng loại được mổ sạch và hong khô nên không bị tanh và rất ít ruồi muỗi bâu bám. Cá ở đây bán theo mớ quy ra chừng 10 sole (80.000 đ) một cân (một chai nước lọc khoảng 3 sole). Món cá, kể cả cá sấu nguyên con, được chế biến khá đơn giản, chủ yếu là nướng bằng than củi rồi dùng tay xé ra ăn.

Chạy được hơn hai tiếng, tàu qua làng San Regis, nơi đặt trạm viba số 44. Ngày mới đặt chân đến vùng Loreto, Đồng được giao nhiệm vụ xây dựng trạm viba này.

Sau một tháng học tiếng Tây Ban Nha, Đồng được gọi sang Peru làm việc từ tháng 6/2012. Học trung cấp Bách khoa, nghề điện lạnh nhưng sang đây, Đồng làm mọi việc có thể từ xây dựng đến lắp đặt cột ăngten, thiết bị đi kèm ở nhiều tỉnh khác nhau. "Nhưng chưa làm việc ở đâu vất vả như ở vùng Loreto", Đồng kể. Thi công vào mùa mưa lũ nên nhóm của Đồng phải mất hơn ba tháng mới xây lắp xong trạm viba này. 

Tối hôm ấy, Đồng đến làng Santa Rita de Castilla nơi đặt trạm 39. Anh trọ trong dãy nhà có 16 phòng, hành lang ở giữa đi thẳng xuống khu vực bếp và vệ sinh. Phòng trọ giống như một chiếc hộp bằng gỗ, rộng khoảng 5 m2, ngột ngạt trong bầu không khí nóng ẩm của rừng cận nhiệt đới. Tiếp giáp với trần có khe hở rộng khoảng 0,2m được che bằng lưới chống côn trùng. Trong phòng chỉ có một chiếc giường trải đệm, màn, chăn mỏng, gối cùng một chiếc bàn nhỏ và ghế. Phòng có thêm một bóng điện và ổ cắm trong khi máy nổ đặt sau nhà chỉ phát điện từ 7 đến 11h đêm. Đồng phải trả 10 sole (khoảng 80.000 đồng) cho một đêm trọ ở đây.

Sáng hôm sau, anh vào trạm 39. Ra đón anh là Roy Meza, 28 tuổi, nhà ở Iquitos. Roy học công nghệ hệ thống và vào làm việc cho công ty viễn thông Bitel của Việt Nam đã hơn 2 năm nay. Thể hiện một tình cảm đặc biệt với các đồng nghiệp Việt Nam, Roy bảo từ khi làm việc cùng họ anh học được khả năng thích ứng và luôn tìm cách để tự khắc phục khó khăn.

Roy, Đồng cùng các đồng nghiệp Việt Nam và Peru khác đã lắp đặt tổng cộng 15.000 km đường cáp quang trục Đông - Tây của Peru, xây dựng các trạm viba để phục vụ cho việc ra đời một nhà mạng mới chuyên cung cấp 3G, phủ sóng 80% diện tích lãnh thổ Peru với chất lượng được coi là trội hơn so với các nhà mạng đang hoạt động tại đây.

6h sáng, bến sông ở làng Santa Rita de Castilla đã rất nhộn nhịp. Đám trai làng mới lớn kéo nhau ra tắm và đánh răng, rửa mặt bằng nước múc lên từ lòng sông Marañón. 

Đồng kể, thời gian làm việc ở đây thỉnh thoảng anh cùng các bạn cũng nhảy xuống sông để tắm và câu cá. Tuy nhiên, anh không dám lấy nước sông để đánh răng hay nấu ăn như người bản địa mà phải vào làng mua nước mưa với giá 1 sole cho mỗi xô.

Đồng bảo người dân ở đây rất nghèo nhưng tình cảm. Phát âm từ "Đồng" không được, họ bảo anh đổi tên. Đồng đưa ra vài cái tên, cuối cùng người làng nhất trí khi anh tự nhận mình là "Huy".

Để xây trạm viba phải cần đến 200 tấn vật liệu, thiết bị, Đồng phải thuê người bản địa vận chuyển từ sông lên trạm cách đó chừng 300m. Ban ngày làm việc cùng họ, tối đến thỉnh thoảng Đồng lang thang chơi trong làng. "Điện chỉ có hai tiếng, chỉ đủ sạc điện thoại để nghe mấy bài hát. Sóng điện thoại không có nên chẳng còn mối liên hệ nào với anh em. Chỉ chờ hết tháng bắt tàu ra Iquitos lấy tiền, mua sắm mới đỡ buồn", Đồng tâm sự.

Sáng sớm cũng là lúc người dân vượt sông sang bên kia đi rừng. Họ mang theo thức ăn, súng tự chế, dao để kiếm sống. Sông Marañón chảy qua vùng bảo tồn lớn nhất của Peru nơi có môi trường sinh thái cực kỳ phong phú với rất nhiều loại thú quý hiếm. Cũng chính môi trường rừng rậm đặc hữu này mà Iquitos (thủ phủ của cả vùng Loreto, nơi đoạn sông dài nhất chảy  qua) trở thành một trong những khu dân cư đông người nhất thế giới không thể tiếp cận bằng đường bộ. Muốn đến đây, chỉ có thể đi bằng máy bay hoặc ngồi tàu thủy.

Gia đình ông Eduardo Pilco (71 tuổi) ở làng Santa Rita de Castilla có 10 người con và 30 đứa cháu.  Có tới 15 ha đất chuyên canh bưởi, chuối và cam, lão nông này mở thêm tiệm tạp hóa để vợ và con dâu bán những thứ lặt vặt. Ông phàn nàn cuộc sống vẫn khó khăn, giới chức địa phương ít quan tâm tới sản xuất nông nghiệp và bày tỏ mong muốn con cháu mình được giáo dục và chăm sóc y tế tốt hơn.

 

Kiểm tra xong, Đồng chia tay Roy cho kịp chuyến tàu về lại Nauta để bắt ôtô về công ty. Đồng kể trước đã có người yêu. "Nhưng cô ấy chủ động nói lời chia tay vì biết khó giữ được em. Làm dân xây lắp, đi hết công trình này đến công trình khác", Đồng kể. Giờ Đồng chỉ lo cho cậu em đang học đại học ở nhà.

Ngồi trầm tư ngắm dòng Marañón đỏ quạch phù sa, Đồng bảo: "Hồi mới sang, lạ nước lạ cái, một mình nơi sông dữ, rừng thẳm, tộc người xa lạ, em cũng lo. May mà bọn em được rèn rũa nên có thể tự lo được mọi việc. Giờ được thảnh thơi đi kiểm tra công trình thế này, chỉ thấy nhớ sông Đáy ở quê thôi ".

Trong lúc Đồng lo đi kiểm tra trạm thì giám đốc chi nhánh Mã Văn Thanh (áo tím, 34 tuổi) cầm điện thoại và tờ rơi ra chợ ở bến tàu Nanay trực tiếp giới thiệu về mạng di động mới cho lái tàu hay tài xế xe ôm ba bánh.... Sáng hôm sau, Thanh sẽ thay mặt Bitel khai trương chi nhánh ở vùng Loreto rộng lớn với diện tích lên đến 368.851 km2. Đồng sắp hết thời hạn làm việc ở Peru, còn Thanh, người đầu tiên của công ty xuống khai mở vùng đất này từ năm 2011 sẽ vẫn tiếp tục bám trụ cho đến khi các đồng nghiệp Peru đảm trách được vị trí của anh.  

Vĩnh An