Thứ ba, 23/4/2024
Thứ ba, 29/12/2015, 07:27 (GMT+7)

10 loài mới phát hiện nổi bật nhất năm 2015

Tổ tiên mới của loài người, loài ếch có thể nhìn thấu "tâm can", hay cây ăn thịt cao tới 1,5 mét là ba trong số 10 loài mới phát hiện nổi bật nhất năm 2015.

Chân dung Homo naledi - họ hàng mới của loài người. Ảnh: National Geographic

Đứng đầu danh sách 10 loài mới phát hiện 2015 do tạp chí Time bình chọn là họ hàng mới của loài người - Homo naledi ở Nam Phi. Một nhóm chuyên gia gồm hơn 60 nhà khoa học, đứng đầu là nhà khảo cứu cổ sinh vật nhân chủng học người Mỹ Lee R. Berger đã công bố phát hiện này vào tháng 9/2015.

Ếch thủy tinh Hyalinobatrachium dianae. Ảnh: Costa Rican Amphibian Research Center

Loài ếch thủy tinh mới sống về đêm tại rừng mưa Costa Rica gây chú ý các nhà khoa học do ngoại hình của nó giống chú rối ếch nổi tiếng Kermit. Nó có tên khoa học là Hyalinobatrachium dianae, với chiều dài cơ thể khoảng 2,5 cm và có thể nhìn thấy nội tạng bên trong qua màng da mỏng phần dưới bụng.

Loài thực vật ăn thịt Drosera magnifica có thể phát triển cao đến 1,5 m (trên) và con mồi sập bẫy (dưới). Ảnh: Paulo Gonella

Đây là một trong những khám phá loài thú vị trong năm 2015. Lần đầu tiên loài Drosera magnifica được nhà thực vật học nghiệp dư Reginaldo Vasconcelos chụp ảnh được trong một chuyến leo núi gần nhà ở miền đông nam Brazil vào năm 2012, sau đó ông đăng lên Facebook. Một năm sau, nhà nghiên cứu thực vật Paulo Gonella phát hiện những hình ảnh loài này trên Facebook và quyết định điều tra. Qua quá trình nghiên cứu hợp tác với Đại học São Paulo (Brazil), đến nay nhóm nghiên cứu mới công nhận Drosera magnifica là loài thực vật ăn thịt mới. Loài cây ăn thịt lớn nhất châu Mỹ này có thể cao đến 1,5 m, và những xúc tua đầy chất dính được bố trí xung quanh để bẫy côn trùng to như chuồn chuồn.

Một cặp cá nóc Torquigener albomaculosus đang tán tỉnh trong mùa giao phối (trên), và vòng tròn bí ẩn dưới đáy biển Nhật Bản (dưới). Ảnh: Yoji Okata-Minden Pictures

Vòng tròn bí ẩn dưới đáy biển trong suốt 20 năm qua ở ngoài khơi đảo Amami-Ōshima của Nhật Bản cuối cùng cũng được giải mã. Vòng tròn đó do loài cá nóc Torquigener albomaculosus tạo ra.

Con đực có chiều dài cơ thể khoảng 13 cm "thiết kế" vòng tròn rộng khoảng 1,8m để làm tổ bằng cách bơi và lăn lộn trong cát dưới đáy biển. Con cái sẽ chọn tác phẩm vòng tròn nào có hoa văn nghệ thuật đẹp nhất để giao phối, đẻ trứng vào giữa vòng tròn và vùi cát lên trứng.

Loài ong bắp cày mới Deuteragenia ossarium. Ảnh: Michael Staabv

Loài ong bắp cày mới Deuteragenia ossarium có kích thước chỉ khoảng 12,7 mm được phát hiện tại Trung Quốc là một trong những "bà mẹ" tận tụy trong giới động vật.

Nó chuyên đi săn nhện hoặc kiến, sau đó mang xác con mồi về đặt xung quanh lỗ rỗng hình ống trong thân gỗ để cảnh báo kẻ thù không được tới gần xơi tái ấu trùng ong. Sau đó, xác nhện sẽ là nguồn thực phẩm dồi dào cho ong non.

Loài khỉ mũi hếch Rhinopithecus Strykeri. Ảnh: Thomas Geissmann

Loài khỉ mũi hếch tại vùng núi hẻo lánh phía đông Himalaya, Myanmar nằm trong số 200 loài mới được các nhà khoa học Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên Nhiên (WWF) công bố hồi tháng 10/2015.

Khỉ mũi hếch không có sống mũi, song lại có cặp môi rất dày. Do thiếu sống mũi nên hai lỗ mũi của khỉ hướng lên phía trên khiến nước mưa rất dễ lọt vào và gây hiện tượng hắt hơi. Chính vì vậy mà loài khỉ này luôn cố giấu chiếc mũi hếch bằng cách kẹp đầu giữa hai đầu gối để tránh nước rơi vào mũi mỗi khi trời mưa.

Loài cua ma cà rồng mới Geosesarma dennerle. Ảnh: Chris Lukhapu

Trong tháng 3, các nhà khoa học công bố hai loài cua "ma cà rồng" mới (Geosesarma dennerle và Geosesarma hagen) có đôi mắt màu và cơ thể màu tím, sau nhiều năm nghiên cứu và phát hiện chúng được nuôi trong các bể nuôi thủy sinh tại Singapore. Qua điều tra nguồn gốc, họ phát hiện loài cua ma cà rồng này sống tại các dòng sông ở đảo Java, Indonesia.

Brachycephalus leopardus - một trong 7 loài ếch tí hon mới. Ảnh: Marcio R. Pie - Đại học Liên bang Parana

Các nhà khoa học tại đại học Liên bang Parana (thành phố Curitiba, Brazil) hồi tháng 6 công bố phát hiện 7 loài ếch tí hon Brachycephalus tại các khu rừng mưa trên 7 ngọn núi lân cận ở Brazil.

Chúng đều có màu sắc sặc sỡ, con trưởng thành chỉ dài khoảng một cm, chưa bằng móng tay người. Đặc biệt, các loài ếch tí hon mới có chất độc tetrodoxin tiết ra từ lớp da có màu sặc sỡ, được xem là vũ khí nguy hiểm đối với bất kỳ loài nào muốn xơi tái chúng.

Nhóm nghiên cứu mô tả tetrodoxin là "chất độc chết người", cũng có trong tuyến độc của cá nóc và bạch tuộc đốm xanh. Họ mô tả các khu rừng mưa nhiều mây nêu trên tại độ cao 1.000 - 1.500m có khí hậu mát mẻ và giữa chúng được phân cách bởi các thung lũng màu mỡ, tạo nên hệ sinh thái độc đáo riêng có của vùng. Mối đe dọa tới các loài ếch tí hon này là loại nấm Batrachochytrium dendrobatidis có thể khiến chúng bị khô da và suy tim.

Loài chuột mũi lợn Hyorhinomys stuempkei. Ảnh: Museum of Victoria

Loài này được các nhà khoa học tại Bảo tàng Victoria, Australia phát hiện năm 2013 trên đảo Sulawesi, Indonesia nhưng đến năm 2015 mới được công nhận là loài chuột chù mới. Họ gọi tên chuột mũi lợn vì nó có đôi tai to, lông mõm dài và đặc biệt cái mũi y hệt con lợn. 

Loài cá lóc mới có vảy óng ánh màu xanh lam. Ảnh: Henning Strack Hansen/WWF

WWF hồi tháng 10 công bố phát hiện hơn 200 loài mới tại khu vực vùng núi đông Himalaya, trong đó đáng chú ý là loài cá lóc có vảy óng ánh màu xanh lam ở các con sông tây Bengal, Ấn Độ. Loài cá lóc này có thể trườn chậm trên cạn, sống và tồn tại trên cạn trong 4 ngày. Còn khi ở dưới nước, nó là kẻ săn mồi đáng sợ với hàm răng sắc nhọn.

Huỳnh Phương (theo Time)