Thứ tư, 17/4/2024
Thứ hai, 9/11/2015, 09:31 (GMT+7)

Thánh địa bên sông Hằng và nguồn gốc hỏa táng ở Ấn Độ

Thành phố Manikarnika ở Varanasi, Ấn Độ, nổi tiếng không chỉ bởi kiến trúc cổ kính mà còn bởi nghi thức hỏa táng.

Manikarnika, Varanasi, Ấn Độ, năm 1922. Ảnh: Public Domain.

Ấn Độ nổi tiếng với nhiều tập quán tín ngưỡng đặc sắc tồn tại song song. Đền thờ ở khắp mọi nơi. Một trong những địa điểm nổi tiếng nhất là thành phố Manikarnika ở Varanasi.

Manikarnika Ghat là một trong những nơi cổ kính và linh thiêng nhất trong tôn giáo và truyền thuyết Hindu. Người ta nói rằng nếu người nào được hỏa táng ở đây sau khi chết, linh hồn của họ sẽ được yên nghỉ mãi mãi. Hàng thế kỷ qua, người ta vẫn luôn tin rằng nghi thức tang lễ ở Manikarnika Ghat giúp con người thoát khỏi kiếp luân hồi bất tận.

Ahilya Ghat bên bờ sông Hằng ở Varanasi, Ấn Độ. Ảnh: CC BY SA 2.0.

"Ghat" trong tiếng Hindu nghĩa là cầu thang dẫn xuống bờ sông. Những cầu thang dẫn xuống bờ sông Hằng là cảnh không thể bỏ qua, vì chỉ riêng thành phố Varanasi đã có đến 87 cầu thang như thế. Đa số được xây dựng từ năm 1700, khi thành phố trở thành một phần của Đế quốc Maratha. Phần lớn các ghat phục vụ nhu cầu tắm rửa của dân chúng, một số khác là nơi cử hành nghi lễ. Chỉ có một vài ghat, trong đó có Manikarnika Ghat, được dùng làm nơi hỏa táng người chết.

Thần Shiva mang xác Sati cắm trên đầu đinh ba. Ảnh: Public Domain.

Có nhiều truyền thuyết khác nhau về tên gọi của Manikarnika Ghat, gắn liền với hai vị thần Hindu là Vishnu và Shiva. Truyền thuyết thứ nhất kể rằng một hôm, thần Vishnu dùng Chakra (bánh xe luân hồi) đào một cái hố trước sự quan sát của thần Shiva. Cả hai đều chăm chú đến mức không để ý đến chiếc khuyên tai (Manikarnika) rơi xuống hố.

Truyền thuyết thứ hai kể rằng, Mata Sati tự thiêu sau khi một trong những người con trai của thần Brahma là Raja Daksh Prajapati làm bẽ mặt thần Shiva trong lễ Yagya (lễ hóa đồ cúng trong lửa thiêng). Kết cục, thần Shiva mang cơ thể Mata Sati lên dãy núi Himalaya. Các phần cơ thể của bà rơi dọc đường đi. Chúng rơi ở đâu, người ta lập Shakti Peeth (đền thờ nữ thần Sati/Shakti) ở đó. Khuyên tai của Mata Sati rơi xuống Manikarnika Ghat.

Thần Shiva và vợ Parvati. Ảnh: Public Domain.

Truyền thuyết thứ ba kể rằng, thần Vishnu chiến đấu suốt nhiều thế kỷ để làm hài lòng thần Shiva và cầu xin ngài cân nhắc lại việc phá hủy thánh địa Kashi. Đáp lại lời thỉnh cầu của thần Vishnu, thần Shiva đã đến Kashi với vợ là Parvati. Đến nơi, ngài đào một cái giếng bên bờ sông Ganges để tắm. Trong khi tắm, ngài sơ ý đánh rơi một chiếc khuyên tai quý xuống giếng. Vì thế mà thành phố mới có tên là Manikarnika.

Truyền thuyết thứ tư kể rằng thần Shiva trong lúc chơi đùa đã đánh rơi khuyên tai xuống trần, hình thành nên Manikarnika Ghat.

Manikarnika Ghat, Varanasi, Ấn Độ. Ảnh: CC BY 2.0.

Nằm cạnh Manikarnika Ghat là giếng thiêng Manikarnika Kund, tương truyền được đào bởi thần Vishnu trong thời gian kiến tạo và hủy diệt. Thánh địa Manikarnika cũng nổi tiếng với đền thờ Shiva và Mata Durga, do hoàng đế (Maharaja) vùng Awadh xây dựng vào năm 1850.

Đền thờ nơi cử hành tang lễ là một trong những địa điểm quan trọng đối với trường phái Shakitism của Hindu giáo, và là nơi linh thiêng để các tín đồ ngày ngày đến viếng. Giếng Chakra-Pushkarini Kund hay Manikarnika Kund cũng được tìm thấy ở đây. Các tín đồ tin rằng dấu vết trên phiến đá cẩm thạch hình tròn là dấu chân (Charanapaduka) của thần Vishnu, vì theo họ ngài đã dành nhiều năm ngồi thiền ở Ghat.

Khiêng xác ra giàn thiêu ở Manikarnika Ghat, Varanasi, Ấn Độ. Ảnh: Fair Use.

Hỏa táng là nguyên tắc căn bản trong đạo Hindu, bởi nhờ đó linh hồn được gột rửa và giải phóng khỏi thân xác. Nghi lễ hỏa táng được coi trọng bởi đó là bước để đạt đến cõi niết bàn (nirvana). Các bước trong nghi lễ phải được tiến hành theo đúng quy định, nếu không linh hồn sẽ không thể sang được thế giới bên kia.

Chủ lễ được gọi là Dom. Cơ thể người chết được bọc vải, khiêng bằng cáng và đặt trên giàn thiêu. Tro tàn sau khi hỏa táng được coi là lời nhắc nhở rằng mọi vật rồi sẽ bị hủy diệt, và đó là số mệnh đã được định đoạt từ trước.

Người ta tin rằng sau khi hỏa táng, linh hồn được giải thoát, cứu rỗi và tiếp xúc với thần Shiva. Trẻ em dưới hai tuổi và đàn ông được coi là linh thiêng và có thể chôn dưới đất sau khi chết, vì cơ thể họ không bị vấy bẩn bởi tội lỗi nên không cần phải gột rửa bằng lửa.

Có những khu nhà dành riêng cho người sắp chết. Họ nằm đây, chờ thời khắc trút hơi thở cuối cùng và đón nhận cái chết thanh khiết bên bờ sông Ganges. Thi thể họ sẽ được rửa sạch bằng nước sông Ganges và đặt trên bậc cầu thang dẫn xuống bờ sông trong hai tiếng đồng hồ cho khô. Sau đó, họ được đặt trên những tấm gỗ xếp phía trên hố hỏa táng mà gia đình đã chọn từ trước.

Thần lửa Agni. Ảnh: Public Domain.

Cơ thể người chết được đặt theo hướng nhất định, để họ dễ dàng sang được thế giới bên kia. Chân hướng về phía nam, hướng của thần chết Yama. Đầu quay về hướng bắc, hướng của thần tài.

Một thành viên quan trọng trong gia đình sẽ đốt lửa giàn thiêu, và cơ thể người chết trở thành vật tế cho thần lửa Agni. Khi việc hỏa táng xong xuôi, người ta lấy nước từ sông Ganges để dập lửa và ném tro xuống sông.

Khói bốc lên từ các giàn thiêu ở Manikarnika Ghat, Varanasi, Ấn Độ. Ảnh: CC BY 3.0.

Điều gây tò mò là không khí tưng bừng tại Manikarnika Ghat. Người dân ở đây cũng quan tâm đến cái chết nhưng lại có quan niệm rất khác về nó. Với họ, cái chết không phải là điều đau buồn mà chỉ là "sự lột bỏ phần da" không còn cần đến nữa.

Bởi thế, địa điểm cử hành tang lễ thường rất náo nhiệt. Các gia đình tham gia trò chơi cùng nhau. Họ di chuyển qua lại giữa các đống củi được chuẩn bị sẵn để hỏa táng người chết. Các con vật quẩn quanh đám đông người tụ tập. Manikarnika Ghat trở thành nơi thu hút nhiều người hiếu kỳ trong vài thập niên trở lại đây.

Ngọc Anh (theo Acient Origins)