Thứ tư, 17/4/2024
Thứ ba, 10/1/2017, 10:08 (GMT+7)

Nhện độc to bằng bàn tay giết rắn để ăn thịt

Cảnh tượng nhện tarantula độc to lớn giết và ăn thịt con rắn dài hơn gấp nhiều lần khiến các nhà khoa học chứng kiến vô cùng ngạc nhiên.

Các nhà khoa học khi lật một tảng đá trong rừng ở miền nam Brazil đã rất bất ngờ bắt gặp cảnh nhện độc tarantula đang ăn thịt rắn, theo Live Science. Đây là lần đầu tiên họ chứng kiến cảnh loài nhện tarantula mang tên Grammostola quirogai chậm rãi ăn xác một con rắn đất Almaden (Erythrolamprus almadensis). 

"Việc con nhện săn một con rắn lớn gấp nhiều lần kích thước cơ thể khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên", Leandro Malta Borges, sinh viên cao học ngành sinh vật học ở Đại học Liên bang Santa Maria, Brazil, chia sẻ. 

Borges và đồng nghiệp công bố phát hiện hôm 3/12/2016 trên tạp chí Herpetology Notes. Nhóm của Borges nghiên cứu nhện tarantula ở Serra do Caverá, một vùng núi đá có cây cỏ rậm rạp ở phía nam Brazil. Họ chứng kiến con nhện G. quirogai đực ăn thịt con rắn dài 39 cm bên dưới một tảng đá. 

Grammostola là loài nhện to bằng bàn tay. Loài nhện này có thể sở hữu răng nanh dài tới hai centimet. "Có những ghi chép về nhện săn rắn nhưng đó là loài nhện góa phụ đen nổi tiếng với nọc độc cực mạnh, dùng mạng để bắt mồi", Borges nói. Tuy nhiên, nhện tarantula không kết mạng để bẫy con mồi. 

Thoe Borges, nhiều khả năng con rắn vô tình trườn đến gần tảng đá nơi nhện tarantula đang ẩn nấp. Nhện tarantula không bỏ lỡ cơ hội tấn công và hạ gục con rắn. 

Nhện tarantula có nọc độc nhưng chưa có nghiên cứu về nọc độc của loài G.quirogai, Borges cho biết. Nhóm nghiên cứu chưa rõ nọc độc của con nhện có đủ mạnh để giết chết rắn hay không. Thông thường, nhện tarantula săn các loài nhện khác, côn trùng hoặc bò sát nhỏ, động vật lưỡng cư, chim và thậm chí cả động vật có vú. 

Sau khi con rắn chết, nhện bắt đầu ăn xác nó. Loài nhện tiêu hóa con mồi bằng cách làm lỏng cơ thể nạn nhân từ bên trong, sau đó hút chất dịch. 

Phương Hoa (Ảnh: Gabriela Franzoi Dri)