Thứ sáu, 13/12/2024
Thứ năm, 13/4/2017, 21:00 (GMT+7)

Cuộc sống bên dòng sông ô nhiễm nhất thế giới

Dòng sông cung cấp nước và kế sinh nhai cho hơn 500 triệu người Ấn Độ đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải công nghiệp chưa qua xử lý, các xác chết hỏa táng hoặc thả trôi sông và tập tục tắm nước sông trong các lễ hội tôn giáo lớn.

Cuộc sống bên dòng sông ô nhiễm nhất thế giới
 
 

Ô nhiễm trên sông Hằng ngày càng trầm trọng

Dải đất ở giữa sông Hằng có thể nhìn rõ từ xa sau khi chính phủ Ấn Độ xây dựng đập Farakka chuyển hướng phần lớn nước sông Hằng tới Calcutta.
Nhiếp ảnh gia Giulio Di Sturco ghi lại cuộc sống của những người dân sống dọc sông Hằng, con sông ô nhiễm nhất thế giới trong loạt ảnh Death of a River (Cái chết của dòng sông), theo National Geographic. Một trong những bức ảnh ấn tượng nhất là cảnh một người phụ nữ đi ngang qua con sông, rón rén bước dọc cây cầu tạo thành từ những bao cát dính đầy bùn đất và rác thải, phản ánh sự xuống cấp của dòng sông linh thiêng. 

Những tín đồ Hindu giáo dọc bờ sông Hằng chuẩn bị tắm dưới làn nước của con sông linh thiêng. 
"Sông Hằng là ví dụ cơ bản về mâu thuẫn không thể giải quyết giữa con người và môi trường. Đây là một dòng sông gắn bó mật thiết với mọi mặt trong đời sống của người dân Ấn Độ. Đây là nguồn nước, năng lượng và sinh kế của hơn 500 triệu người sinh sống dọc bờ sông", Di Sturco cho biết. 

Một người phụ nữ thu thập lá mù tạt trên cánh đồng chạy ngang qua nhà máy lọc dầu ven sông Hằng. 
Người Hindu trên khắp thế giới đã thờ phụng dòng sông trong nhiều thế kỷ, bắt nguồn từ tín ngưỡng về khả năng tự thanh tẩy của thần sông Genga. Tuy nhiên, thực tế là nước sông đang bị nhiễm độc từ hàng triệu lít nước thải công nghiệp và rác thải thô mỗi ngày, chưa kể hàng trăm xác chết hỏa táng hoặc đôi khi được bọc sơ sài bằng vải mỏng và ném xuống dòng sông.

Một núi băng trôi tạo thành từ bọt hình thành từ chất thải hóa học do các nhà máy ở dọc sông Yamuna, phụ lưu của sông Hằng, xả ra. 
Tình trạng này đang dần thay đổi sau khi tòa án dân sự tối cao Uttarakhand của Ấn Độ trao quyền con người cho sông Hằng và phụ lưu chính của nó là sông Yamuna. Quyết định có nghĩa gây ô nhiễm hay phá hủy dòng sông tương ứng với hành vi hãm hại con người. Dù các nhà hoạt động vì môi trường rất ủng hộ quyết định, vấn đề nằm ở chỗ quyết định có được thi hành hay không và được áp dụng ở mức độ nào. 

Thành phố lều được dựng lên ở Allahabad, Ấn Độ, để chuẩn bị cho Kumbh Mela, cuộc hành hương lớn nhất thế giới của tín đồ Hindu giáo, tổ chức 12 năm một lần trên bờ sông Triveni Sangam, hợp lưu của ba con sông lớn, trong đó có sông Hằng. 

Tín đồ Hindu giáo tắm trên sông Hằng trong lễ Kumbh Mela để rửa sạch mọi tội lỗi. 

Từng chồng đồ giặt từ các khách sạn nằm giữa bùn lầy ven sông Yamuna.

Mỗi năm vào mùa khô, nước sông Hằng ở biên giới Bangladesh khô cạn do đập Farakka ở biên giới Ấn Độ đóng cửa.

Một người phụ nữ đi ngang qua con kênh nhỏ trên sông Hằng trên cây cầu rác ngập dưới nước.

Một phụ lưu của sông Hằng gần Haridwar cạn trơ đáy vào mùa nóng. 

Những đám mây xám cuồn cuộn từ đằng xa dọc theo phụ lưu khô hạn của sông Hằng.  

Chất hóa học tràn ra từ một trong những xưởng thuộc da của Kanpur và đổ vào sông Hằng.

Phương Hoa (Ảnh: Giulio Di Sturco)