Thứ tư, 24/4/2024
Chủ nhật, 15/11/2015, 19:09 (GMT+7)

Biển cua đỏ di cư trên đảo Giáng sinh

Mỗi năm, 65 triệu con cua đỏ bắt đầu hành trình di cư trên đảo Giáng sinh, hòn đảo xa xôi giữa Ấn Độ Dương, để sinh sản.

Theo Scribol, đảo Christmas thuộc Australia là nơi diễn ra một trong những hành trình di cư lớn nhất trong tự nhiên: 65 triệu con cua đỏ đồng loạt di chuyển qua 8 km chỉ trong vòng 5 ngày. Khi mùa mưa đến gần và thủy triều dâng cao, những con cua bắt đầu xê dịch, chui ra từ những hang sâu trong rừng mưa và bò nhịp nhàng ra biển. Các cửa hàng, sân chơi golf hay phương tiện xe cộ đều ngừng hoạt động để nhường đường cho cua đỏ. Trong ảnh là một biển báo phong tỏa đường phục vụ cua đỏ di cư. Ảnh: Gulte.

Hàng triệu con cua màu đỏ khởi hành mỗi năm trong khoảng tháng 10 - 11 vì một mục đích chung là sinh sản. Khi đàn cua tiến đến bãi biển theo lộ trình quen thuộc, những con đực dẫn đầu trầm mình dưới nước nhằm bù lại độ ẩm. Sau đó, chúng rút xuống khu vực có địa hình thấp hơn để đào hang. Một lượng lớn cua cái đến sau và quá trình giao phối diễn ra sâu trong chiếc hang mà con đực phải chiến đấu vất vả mới giành được quyền sở hữu. Ảnh: Gary Tildale/Mercury Press.

Những con đực trở về bên trong đất liền trước và tới vùng rừng mưa trong 1 - 2 ngày. Cua cái ở lại hang ẩm 12-13 ngày tiếp theo để đẻ và ấp trứng. Số trứng mỗi con cua cái đẻ lên tới 100.000. Khi trăng tròn, cua cái tiến ra bờ biển để thả trứng xuống nước. Những quả trứng nở thành ấu trùng và lớn dần trong tháng tiếp theo. Sau khi trải qua vài giai đoạn biến hình, ấu trùng trở thành cua con với kích thước rộng 5 mm. Chúng rời khỏi mặt nước và bò vào trong đất liền trong thời gian khoảng 9 ngày. Ảnh: Gulte.

Ở trong đất liền, cua con thường lẩn vào những nơi khuất tầm nhìn. Chúng sống dưới những thân cây đổ, bên trong khe đá nứt và thậm chí sân vườn của người dân. Với thức ăn chủ yếu là hoa quả, lá và rau thối, mỗi con cua lớn rất chậm nhưng có thể phát triển đến chiều rộng 16 cm. Theo các nhà khoa học, những con cua trưởng thành có thể bò một km mỗi ngày trong thời gian di cư là nhờ cơ thể chúng tiết ra một loại hormone sản sinh lượng đường cao, giúp cua đỏ có năng lượng cần thiết cho chuyến đi đường dài. Ảnh: wideopenplaces.

Theo ước tính hiện nay, số lượng cua đỏ trên đảo Giáng sinh là 120 triệu con, một con số khổng lồ so với lượng cư dân 1.600 người. Tuy nhiên, sự tồn tại của chúng đang bị đe dọa. Hoạt động của con người có tác động rất lớn. Cua đỏ có nguy cơ chết khô khi buộc phải bò qua những khu vực không có rừng che phủ. Ngoài ra, hàng nghìn con cua bị các phương tiện cán chết khi băng qua đường. Ảnh: parksaustralia.

Một mối đe dọa nguy hiểm hơn đối với cua đỏ là sự xâm lược của loài kiến vàng điên đến từ châu Phi, được đưa vào đảo Giáng sinh một cách tình cờ. Kiến vàng điên ăn thịt cua đỏ sau khi tiêm chất độc vào người chúng. Loài kiến này đã tiêu diệt 15 - 20 triệu con cua đỏ trong những năm gần đây và số lượng kiến vàng điên trên đảo đang bùng nổ do ảnh hưởng của thay đổi thời tiết. Ảnh: Slate.

Biển cua đỏ di cư trên đảo Giáng sinh
 
 

Cua đỏ di cư trên đảo Giáng sinh

Phương Hoa