Thứ bảy, 16/11/2024
Thứ ba, 3/5/2016, 21:36 (GMT+7)

7 bí ẩn vũ trụ chưa có lời giải

Vật chất tối, nguồn gốc sự sống trên Trái Đất, sự kết thúc của vũ trụ đến nay vẫn là những bí ẩn nằm ngoài hiểu biết của các nhà vật lý thiên văn.

Những gì chúng ta nhìn thấy chỉ chiếm 5% vũ trụ

Tất cả những gì chúng ta nhìn thấy chỉ chiếm 5% vũ trụ, 95% còn lại bao gồm vật chất tối và năng lượng tối. Các nhà khoa học cho rằng năng lượng tối là lực tác động bí ẩn khiến tốc độ mở rộng của vũ trụ tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, năng lượng tối cũng có thể chỉ là một lỗi lớn trong lý thuyết về lực hấp dẫn. Vật chất tối là một vật liệu vô hình tạo nên phần lớn khối lượng trong những thiên hà. Các nhà khoa học đưa ra khái niệm vật chất tối bởi lực hấp dẫn của những thiên hà lớn đến mức khó có thể giải thích chỉ với vật chất mà chúng ta nhìn thấy được.

Khả năng tồn tại sự sống trên sao Hỏa

Sự sống có khả năng từng tồn tại trên sao Hỏa và thậm chí có thể vẫn tồn tại cho tới ngày nay. Sao Hỏa từng có những đại dương rộng lớn. Các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng chỉ ra nước lỏng vẫn chảy định kỳ trên bề mặt sao Hỏa. Nhiều quốc gia đang lên kế hoạch đưa các nhà thám hiểm lên sao Hỏa để tìm hiểu.

Nguồn gốc của tia vũ trụ năng lượng cao

Tia vũ trụ là dòng hạt tốc độ cao bay trong không gian và đôi khi va đập vào Trái Đất. Nhưng các nhà khoa học chưa tìm ra nguồn gốc của chúng. "Các tia vũ trụ năng lượng thấp nhất đến từ Mặt Trời ở dạng dòng hạt mang điện tích gọi là gió Mặt Trời. Tuy nhiên, việc xác định nguồn phát ra tia vũ trụ năng lượng cao khó khăn hơn vì chúng tác động tới từ trường ở không gian giữa các vì sao", các nhà vật lý thiên văn ở Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN), cho biết.

Nơi sản sinh xung sóng vô tuyến nhanh (FRB)

Xung sóng vô tuyến nhanh là sự bùng phát chỉ kéo dài một phần nghìn giây của sóng vô tuyến trong không gian. Giống tia vũ trụ, các nhà khoa học không biết nơi sản sinh xung sóng vô tuyến nhanh. Một giả thuyết cho rằng chúng có cùng nguồn gốc. Nhưng ý kiến khác lại khẳng định RFB phát ra từ những sự kiện khó có thể lặp lại.

Tại sao có nhiều vật chất hơn phản vật chất

Khi một hạt vật chất và một hạt phản vật chất va chạm, chúng tự triệt tiêu lẫn nhau. Nếu số hạt vật chất và phản vật chất bằng nhau, vũ trụ sẽ không tồn tại. Theo lý thuyết khoa học, vụ nổ Big Bang tạo ra lượng hai loại hạt bằng nhau. Nhưng vì lý do nào đó, vụ nổ này tạo ra nhiều hạt vật chất hơn. Theo các nhà vật lý thiên văn ở CERN, một trong những thách thức lớn nhất của vật lý là tìm ra điều gì xảy đến với hạt phản vật chất. 

Sự sống trên Trái Đất bắt đầu như thế nào

Đây là một trong những câu hỏi cơ bản nhất trong mọi thời đại. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra đáp án. Một số ý kiến cho rằng sao chổi hoặc tiểu hành tinh đem sự sống đến Trái Đất. Đó là một giả thuyết hợp lý vì các nhà khoa học tìm thấy chất hữu cơ trên một số thiên thạch.
Giả thuyết khác là một mảnh vụn của sao Hỏa rơi xuống Trái Đất, thúc đẩy sự sống hình thành. Có thể các phân tử đơn giản làm phản ứng hóa học diễn ra và tạo nên những phân tử phức tạp hơn. Sau đó, những phân tử này kết hợp lại thành ARN, một trong những yếu tố cần thiết cho sự sống. Từ đó, các sinh vật đa bào tiến hóa.

Vũ trụ sẽ kết thúc như thế nào

Các nhà thiên văn ước tính Mặt Trời sẽ tiêu diệt Trái Đất sau khoảng 6 tỷ năm. Một vài giả thuyết về sự kết thúc của vũ trụ được đưa ra. Theo nhiệt động lực học, vũ trụ có thể bị diệt vong khi tất cả vật chất trong vũ trụ có cùng nhiệt độ. Điều đó có nghĩa tất cả các ngôi sao sẽ tàn lụi và mọi vật chất sẽ tiêu tan. Ý kiến khác cho rằng một sự kiện trái ngược với Big Bang là Big Crunch sẽ xảy ra. Nếu vũ trụ tiếp tục mở rộng, cuối cùng lực hấp dẫn sẽ lớn quá mức, dẫn đến mọi vật bị co lại. Toàn bộ vũ trụ sẽ trở thành thành một khối đặc và vũ trụ kết thúc hoàn toàn.


Xem thêm: Vũ trụ thu nhỏ ra đời trong phòng thí nghiệm.

Thùy Dương (Ảnh: NASA)