Thứ ba, 19/3/2024
Thứ năm, 4/2/2016, 07:00 (GMT+7)

10 loài động vật chịu lạnh tốt nhất

Ở những nơi lạnh như Bắc Cực, nhiều loài động vật phát triển những cách chịu lạnh độc đáo, giúp chúng thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Bò xạ hương (Ovibos moschatus)

Theo National Geographic, lớp lông dày giúp bò xạ hương thích nghi với thời tiết khắc nghiệt ở Bắc Cực. Tình trạng săn bắn vô tội vạ khiến số lượng bò xạ hương giảm, nhưng những biện pháp bảo vệ kịp thời đã giúp số lượng loài động vật này dần ổn định.

Cú tuyết (Bubo scandiacus)

Cú tuyết sống tại vùng Bắc Cực. Chúng chủ yếu ăn chuột lemmut. Không giống những loài cú khác, cú tuyết săn mồi cả ngày lẫn đêm. Bộ lông của chúng có thể chuyển sang màu nâu để thích nghi với tuyết tan chảy. Tuy nhiên, cú tuyết có thể bị thiếu thức ăn khi Bắc Cực ấm lên. 

Báo tuyết (Panthera uncial)

Hiện chỉ còn 4.000 cá thể báo tuyết sống tại những vùng núi cao lạnh giá ở Trung Á. Chúng phân bố từ Bhutan tới Trung Quốc. Con mồi của chúng thường là cừu Brahal và dê núi. Tuy nhiên, nhiều con báo tuyết đã bị bắn chết khi tìm cách săn gia súc của con người. 

Chim cánh cụt Gentoo (Pygoscelis papua)

Chim cánh cụt Gentoo phân bố tại Nam Cực. Chúng thường tập trung ở những vùng bằng phẳng ven biển hay các vách đá. Tại đó, chúng có thể sinh sản một cách dễ dàng và tránh được những tác động của con người. Đây là loài có khả năng lặn sâu nhất (gần 200 m) và lâu nhất (7 phút). Chúng cũng là loài có tốc độ lặn nhanh nhất trong tất cả các loài chim (35 km/h). 

Hổ Siberia (Panthera tigris altaica)

Hổ Siberia hay hổ Amur thường sống trong rừng taiga ở Nga. Chúng có bộ lông dày hơn những loài hổ khác nên có thể thích nghi với thời tiết khắc nghiệt vào mùa đông. Loài hổ này từng đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng và chỉ còn khoảng 70 cá thể vào năm 1940. Hiện nay, số lượng hổ Siberia đã tăng lên hơn 500 cá thể. 

Tuần lộc (Rangifer tarandus)

Tuần lộc phân bố tại vùng Bắc Cực và cận Bắc Cực. Mỗi năm, đàn tuần lộc vượt qua hàng trăm km về phía Bắc để kiếm thức ăn tại các vùng lãnh nguyên. Tuần lộc được thuần chủng từ 2.000 năm trước.

Rái cá sông Bắc Mỹ (Lontra canadensis)

Rái cá sông Bắc Mỹ được bảo vệ bởi một lớp lông dày không thấm nước. Ô nhiễm môi trường và nguồn nước ở Mỹ ảnh hưởng lớn tới loài động vật này. Hiện nay, luật bảo vệ nguồn nước đã góp phần bảo tồn rái cá sông Bắc Mỹ. 

Linh miêu Á - Âu (Lynx lynx)

Linh miêu Á - Âu phân bố chủ yếu ở châu Á và Bắc Âu. Chúng có thể hạ gục một con hươu lớn. Khi ăn không hết con mồi, chúng sẽ chôn phần còn lại xuống đất để tiếp tục ăn sau đó. 

Hải tượng (Odobenus rosmarus divergens)

Hải tượng sống chủ yếu tại các vùng nước nông, trên các tảng băng. Bắc Cực ấm lên khiến hải tượng không còn chỗ săn mồi, buộc chúng phải di cư hàng loạt vào bờ biển. Điều này có thể khiến chúng bị chết vì dẫm đạp lên nhau. Các nhà nghiên cứu chưa thể xác định số lượng hải tượng, bao gồm cả phân loài hải tượng Thái Bình Dương, có bị suy giảm hay không. 

Bạc má mũ đen (Poecile atricapillus)

Bạc má mũ đen có khả năng hạ thấp nhiệt độ cơ thể để thích nghi với thời tiết lạnh. Loài chim này rất thân thiện với con người. Chúng có thể tiếp cận và ăn thức ăn trên tay người.

Thùy Dương (Ảnh: National Geographic)