Thứ tư, 20/11/2024
Thứ năm, 11/2/2016, 19:06 (GMT+7)

5 dự án góp phần giải quyết ùn tắc ở thủ đô

Hai hầm chui Thanh Xuân, Trung Hòa, nút giao Long Biên, đường vành đai 2... cùng nhiều dự án giao thông khác với tổng mức trên 10.000 tỷ đồng được khánh thành trong năm 2015 đã góp phần giảm thiểu ùn tắc trong trung tâm thủ đô.

Dự án nổi bật đầu tiên được khánh thành vào tháng 9/2015 là tuyến đường Tân Mai mới từ Trương Định - Giáp Bát đến khu Đền Lừ II (Hoàng Mai, Hà Nội) có tổng chiều dài hơn 1.000 m khánh thành sau 5 năm xây dựng

 

Đoạn này nằm trong dự án đường vành đai với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, được thiết kế với mặt cắt ngang 40 m, mỗi bên có 3 làn xe chạy.

Hầm chui tại nút giao Thanh Xuân - Nguyễn Trãi được khánh thành vào sáng 8/1/2016. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 551 tỷ đồng từ nguồn vốn của dự án xây dựng đường vành đai 3 Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Hầm chui có chiều dài 980 m, trong đó phần hầm kín khoảng 100 m. Cùng với tuyến đường sắt trên cao, cao tốc trên cao và đường bộ, đây là nút giao 4 tầng đầu tiên tại thủ đô. Phát biểu trong buổi lễ thông xe, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc đưa hai hầm chui hiện đại vào hoạt động có ý nghĩa lớn với giao thông thủ đô nói chung, góp phần giảm thiểu ùn tắc tại các cửa ngõ phía tây, kết nối hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế với một số khu đô thị trên trục Đại lộ Thăng Long.

Cùng thời điểm, dự án hầm chui tại nút giao Trung Hòa cũng được khánh thành. Dự án có tổng mức đầu tư là 1.087 tỷ đồng, trong đó giá trị gói thầu xây lắp là hơn 717 tỷ đồng. Công trình có quy mô 2 hầm chui thông theo 2 chiều giao thông, hướng Đại lộ Thăng Long - đường Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám. Phần hầm kín và hở phía đường Trần Duy Hưng gồm hai hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 12 m, gồm 3 làn xe cơ giới rộng 3,5 m/làn. Phần hầm hở phía Đại lộ Thăng Long gồm 2 hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 16,25 m. Ảnh: Giang Huy

Tổng chiều dài hầm và đường dẫn hơn 600 m, riêng đoạn mở rộng đường gom hai bên Đại lộ Thăng Long khoảng 2.573 m, đoạn mở rộng đường Khuất Duy Tiến, đường Phạm Hùng khoảng 580 m. Quy mô đường phố chính chủ yếu, 6 làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế 60 km/h.

Sáng 17/1, tuyến đường vành đai 2 với tổng mức đầu tư trên 6.000 tỷ đồng chính thức thông xe, góp phần rút ngắn nửa thời gian quãng đường đi từ Nhật Tân đến Cầu Giấy (Hà Nội). Dự án xây dựng đường vành đai 2 Hà Nội, đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy dài 6,4 km có tổng mức đầu tư 304,7 triệu USD (tương đương 6.400 tỷ đồng). 

Dự án có điểm đầu nối với đường Võ Chí Công. Đường vành đai 2 là tuyến giao thông đường bộ nội đô khép kín của Hà Nội có tổng chiều dài 43,6 km. Đường chạy qua các điểm khống chế: Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy. Hai cầu vượt sông Hồng trên đường vành đai 2 là cầu Vĩnh Tuy và cầu Nhật Tân, một cầu vượt sông Đuống là cầu Đông Trù.

Sau đó một ngày, cầu vượt nút giao trung tâm quận Long Biên cũng được thông xe, kết nối quốc lộ 5 qua đường Nguyễn Văn Linh sang sân bay Nội Bài. Cầu dài trên 800m, có 16 nhịp, bao gồm một cầu chính có hệ thống dầm hộp thép bản liên hợp bê tông, 5 nhịp liên tục. Cầu rộng 26m đủ 6 làn xe chạy với vận tốc thiết kế 80km/h. Đây là cây cầu dầm hộp thép liên hợp bê tông và được liên kết với mối hàn quy mô lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Giang Huy

 

Cầu vượt nằm trong khối dự án kết hợp hoàn thiện nút giao quận Long Biên với tổng mức đầu tư 2.847 tỉ đồng. Dự án cũng gồm đảo xuyến, đường nội đô dọc hai bên cầu vượt, hai hầm chui qua cầu đường sắt cho phương tiện giao thông chạy trong nội đô và người đi bộ. 

Bá Đô