Thứ ba, 21/1/2025
Thứ ba, 30/12/2014, 09:24 (GMT+7)

Học viên trường xiếc khổ luyện để thành tài

Thu Hồng (13 tuổi) gào lên đau đớn khi thầy giúp ép chân, bẻ xoạc; Nguyễn Diệp (14 tuổi) phải mất nửa năm mới hết sợ hãi, buồn nôn khi tập đu dây, ngả tụt người ở độ cao 8-10 m. Tay tím đỏ sau 2 giờ gân lên tập luyện nhưng Diệp cười hiền: 'Em khỏe hơn các bạn cùng lứa khác. Học ở trường vui, thầy giáo quan tâm em như con cái trong nhà'.

Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam là cái nôi đào tạo xiếc duy nhất ở Đông Nam Á. Hiện nay, trường có nhiệm vụ đào tạo các chuyên ngành mới thuộc lĩnh vực nghệ thuật xiếc và một số chuyên ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn gồm: xiếc người, xiếc thú, ảo thuật, hài hước; có điều kiện và đang xây dựng chương trình đào tạo các chuyên ngành diễn viên đóng thế (cascadeur), dẫn chương trình, trình diễn thời trang, múa rối... Sau 53 năm ra đời và phát triển, đến nay Trường xiếc Việt Nam đã cung cấp được 1.427 diễn viên, 478 tiết mục... cho các đoàn xiếc trong cả nước và hai nước bạn Lào, Campuchia.

Các học viên phải mất 2 năm cơ bản, tập các kỹ thuật ban đầu của môn nhào lộn, thăng bằng, tung hứng, thể thao...; sau đó bước vào 3 năm chuyên ngành. Song song với quá trình tập luyện, học viên được học các môn văn hóa phổ thông từ lớp 6 đến 12. Trong ảnh, chị em song sinh Nguyễn Huyền Ly (16 tuổi, học viên năm thứ 6) đang thực hiện động tác mềm dẻo 2 nữ. Để thực hiện thành công tiết mục này, hai em đã phải trải qua quá trình tập luyện gian khổ, với nhiều tháng ngày cơ thể đau nhức, không cử động được. 

Đặng Thu Hồng (13 tuổi, học viên năm 3) cắn răng gồng mình chịu đau khi được 3 người ghìm mình ép chân tập môn quay thảm. Theo trợ giảng Nguyễn Ngọc Ánh (19 tuổi), đây là tiết mục khó, yêu cầu độ dẻo cao và thể lực tốt. Không chỉ vừa uốn dẻo, vừa quay những chiếc thảm trên cả tay, chân, diễn viên còn đế lên nhau thành 2 tầng để biểu diễn. "Chỉ động tác uốn dẻo, có người dẻo tự nhiên thì mất 3-4 ngày là làm được, nhưng rất nhiều người như em Đặng Thu Hồng, phải mất một tháng, có khi tới cả năm mới thực hiện cho thành thục, đẹp được. Hầu như ai vào trường xiếc này cũng có thời gian muốn bỏ, vì vất vả quá nhưng nhìn thầy cô và anh chị đi trước được tỏa sáng trên sân khấu rồi nhiệt huyết chỉ bảo cho lớp sau, chúng em lại có động lực để theo nghề", trợ giảng Ánh chia sẻ. 

Bản thân Ngọc Ánh, sau 9 năm theo nghề xiếc, đã đoạt được hàng chục giải thưởng lớn, nhỏ, trong đó có không ít huy chương từ các Liên hoan xiếc quốc tế như: HCB Liên hoan xiếc quốc tế lần thứ 4 tổ chức tại Hà Nội năm 2012; HCB Liên hoan ảo thuật toàn quốc; giải Đặc biệt Liên hoan xiếc quốc tế tại Ngô Kiều (Trung Quốc) năm 2013... Từng rơi bao nhiêu nước mắt vì chấn thương, đau đớn trong quá trình tập luyện, nhưng Ngọc Ánh quyết tâm theo đuổi nghề xiếc để thỏa mãn đam mê và được phục vụ công chúng. Ngoài biểu diễn, cô cũng giúp giáo viên ở trường, truyền dạy nghề và nhiệt huyết cho thế hệ sau.

Ngoài cung cấp nguồn nhân lực chuyên ngành Xiếc và Tạp kỹ cho Việt Nam, trường còn đào tạo diễn viên cho cả hai nước CHDCND Lào, Vương quốc Campuchia. Đến nay, đã có 144 diễn viên và 92 tiết mục xiếc, tạp kỹ của hai quốc gia này, được "ra lò" từ trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Trong ảnh, học viên người Lào, tên Sudavi đang tập môn xe đạp một bánh. Đứng trên bánh xe này, Sudavi có thể tung hứng hoặc kết hợp vừa tung hứng vừa đế kiếm bằng miệng.

Kỹ thuật giữ thăng bằng bằng đầu.

Vũ Thị Vân (14 tuổi) thực hiện động tác vừa uốn dẻo, vừa lắc vòng bằng ngón chân. Từ bé học viên này đã mê mẩn xiếc khi xem các diễn viên trên tivi hay trực tiếp về quê hương Bắc Kạn của em biểu diễn. Năm 11 tuổi, Vân rời gia đình xuống Hà Nội một mình học tập. Như bao học viên khác, em vào ký túc xá ở và phải tự lập. Một ngày của em bắt đầu từ hơn 5h rồi học môn cơ sở, môn chuyên ngành từ 6h sáng đến 12h trưa. Buổi chiều Vân lại cùng các bạn học 7 môn văn hóa. Vân bảo, thời gian học nhiều, tập luyện lại vất vả, bị đau cứng chân, hông nhưng em rất vui khi được học môn nghệ thuật mình yêu thích. Ước mơ của em là trở thành diễn viên xiếc chuyên nghiệp, nhận được nhiều tràng pháo tay của khán giả và gặt hái được các thành tích cao.

Môn "Đu tiên" với những động tác quay người 180 độ, xoạc chân, ngả tụt thả cơ thể trong không trung chân bám vào dây ở độ cao 8-10 m..., được Nguyễn Thị Diệp (14 tuổi) thực hiện. Đây là môn chuyên ngành, Diệp học trong 3 năm và thầy Ngô Lê Thắng (24 năm trong nghề) có nhiệm vụ đào tạo em suốt thời gian này. Theo thầy Thắng, đu dây là một trong những môn khó và nguy hiểm nhất của xiếc, đòi hỏi sự dũng cảm, thể lực, sức gân tốt. Đây đều là những yếu điểm của con gái. "Em Diệp, thời gian đầu mới lên dây cao, chỉ ngồi co rúm lại vì sợ. Em ấy còn hay bị chóng mặt buồn nôn vì chứng say xe. Phải mất 2-3 tháng, sau nhiều bài tập bổ trợ như nhào lộn dưới đất, cho chơi những trò mạo hiểm..., Diệp mới quen dần và tập luyện được", thầy Ngô Lê Thắng nói.

Qua một năm ròng rã tập luyện, giờ ở trên dây cao đã thành việc bình thường với Nguyễn Thị Diệp. Suốt 2 giờ đu dây, xoạc chân, ngã tụt... trên đó, khi xuống đất, hai bàn tay, cổ tay của nữ sinh 14 tuổi chỗ trắng bệch, chỗ tím đỏ vì phải tì, bám vào dây xích, dùng sức lực nhiều. Nhìn vào cánh tay, Diệp cười hiền: "Em chẳng cảm thấy đau. Được tập luyện môn nghệ thuật này, em cảm thấy rất vui. Thầy giáo như người bố thứ 2 của em, hay động viên, tâm sự và đưa em đi ăn những mon ngon, bổ dưỡng... Lúc đầu em cũng sợ tập, cơ tay bị mỏi nhừ nhưng nhờ sự nhiệt tình của thầy Thắng đã tiếp cho em sức mạnh, động lực để vượt qua. Giờ em chỉ sợ tập không tốt làm thầy buồn", Diệp tâm sự. 

Để bổ trợ cho môn Đu dây, Diệp phải tập hít xà, chống đẩy, chạy... cho tăng thể lực và khỏe cơ tay. Tập luyện nhiều, tay em to hơn các bạn cùng lứa tuổi, Diệp vì thế được đặt biệt danh "Diệp tay to". Nữ sinh này bảo, hồi đầu cũng xấu hổ nhưng giờ thấy mình hơn các bạn khác là, vừa khỏe, vừa biết tự lập cuộc sống và sớm có được một nghề mình yêu thích. Trong ảnh, Diệp đang giúp các học viên môn Nhào lộn hít "xà" tập thể lực.

"Học sinh trường xiếc thiệt thòi hơn các em trường ngoài vì tập luyện vất vả, học hành, rèn luyện suốt, ít có thời gian giải trí, vui chơi. Chế độ ưu đãi của Nhà nước chưa đáp ứng được sức lực, sự khó nhọc các em trải qua. Vì thế, ai theo được nghề này luôn có lòng đam mê và sự hy sinh rất lớn", hiệu trưởng trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hoàng Minh Khánh nói. Theo thầy Khánh, từ năm 1986 hội nhập với các nước, những thú vui khác tràn vào Việt Nam khiến ngành Xiếc vốn là loại hình nghệ thuật chiếm ưu thế trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam trước đây, trở nên khó khăn trong thị trường biểu diễn, đặc biệt là tuyển sinh đầu vào. Để khắc phục tình trạng này, nhà trường nhiều lần đề nghị cấp trên cho học sinh được hưởng chế độ ưu đãi 100% tiền ăn học, nhưng chưa được. Dự án xây nhà huấn luyện mới cao 8 tầng với 1.000 m2 sàn tập đang thực hiện, kỳ vọng sẽ giúp thầy và trò trường Xiếc giảm bớt khó khăn khi điều kiện cơ sở hạ tầng hiện nay thiếu thốn. 

Quỳnh Trang - Giang Huy