Thứ tư, 15/1/2025
Thứ bảy, 11/6/2016, 11:30 (GMT+7)

Học sinh mót lúa, nấu cơm chay với 50.000 đồng

Các em được trao cho 50.000 đồng, tự đi chợ mua đồ làm ít nhất 8 món ăn chay, nấu bằng niêu đất nhỏ trong 3 giờ.

Ngày tri ân là hoạt động dành cho hơn 120 học sinh lớp 3 đến lớp 11 thuộc nhiều tỉnh thành: Hà Giang, Quảng Ninh, Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ngãi… do Hệ thống giáo dục Ban Mai (Hà Nội) tổ chức tại chùa Địa Tạng (Hà Nam). Ngày 10/6, các em được Ban tổ chức trao cho 50.000 đồng để đi chợ, nấu ít nhất 8 món chay bằng niêu đất nhỏ trong vòng 3 giờ.

Các em chia thành nhiều nhóm nhỏ, đi mót lúa trên những thửa ruộng mới thu gặt tại xã Bồ Đề (Bình Lục, Hà Nam). Những đứa trẻ thành phố hứng khởi khi được hòa mình vào không khí của đồng quê. 

Thông điệp của hành động này giúp các em biết nâng niu từng hạt thóc rơi, trân quý hạt cơm nhỏ mỗi khi ăn uống.

Đi mót lúa về, nhóm học sinh còn hái hoa sen, lá sen trước cửa chùa để trang trí cho mâm cơm.

Mỗi thành viên trong nhóm đều có nhiệm vụ riêng, người đi mót lúa, người đi lấy củi, người dựng bếp chuẩn bị nấu cơm.

Lúa mót về được các em tập trung ngồi bóc từng hạt, công việc này rèn luyện sự kiên nhẫn cho những đứa trẻ đang tuổi lớn và ham chơi.

Đỗ Hoàng Yến Nhi và Đoàn Hương Giang là học lớp 3 đến từ Ninh Bình. "Đây là lần đầu tiên em tự tay bóc lúa. Dù rất khó, mất nhiều thời gian nhưng em thấy vui vì giúp các anh chị trong đội có gạo nấu cơm", Nhi nói.

Mỗi đội chỉ có 50.000 đồng nên các em tính toán kỹ để chuẩn bị thực đơn. Nguyên liệu làm các món chay chủ yếu là lạc, đậu phụ, rau ngót, mướp đắng. Không đủ tiền mua dầu, có em còn nghĩ ra cách đi xin của nhà dân cạnh chùa.

Tất cả món ăn đều được chế biến bằng một chiếc niêu. Nhiều học sinh cho biết, ở nhà các em thi thoảng giúp bố mẹ nấu cơm, nhưng thổi cơm bằng niêu đất thì lần đầu tiên làm.

Món chè đậu xanh được chế biến từ niêu đất.

Lê Minh Đức (Hà Nam) cười tươi rói khi tự làm đậu sốt cà chua. Đức chia sẻ, 16 tuổi em vẫn hay ăn cơm với thói quen đòi hỏi, thậm chí không đúng khẩu vị là dỗi không ăn. Tự tay nấu một bữa mới thấy không dễ dàng.

Các mâm cơm dần hoàn thiện với sự trang trí công phu, bắt mắt.

4 mâm cơm chay của các đội được đặt lên bàn cúng Phật trước khi chấm điểm. Giám khảo là thầy cô và phụ trách bếp ăn nhà chùa. Chấm điểm xong, những mâm cơm sẽ được mời thầy cô, bạn bè. "Dù cơm có thể chưa ngon, canh chưa ngọt, nhưng đó đều là sự cố gắng và tình cảm của các em", anh Lê Dương Duyên, người phụ trách các học sinh cho hay.

Mâm cơm giải Nhất với 9 món chay ngon, trình bày đẹp mắt. Những mâm cơm chay này thể hiện "Tứ trọng ân", đó là tri ân trời đất, dâng lên đức Phật, hồi hướng công đức cho ông bà, cha mẹ đồng thời tri ân người nông dân làm ra lúa gạo và các loại lương thực.

Đình Khoa