Chủ nhật, 8/9/2024
Thứ tư, 11/2/2015, 11:25 (GMT+7)

Học sinh làm bánh chưng để nhớ Tết cổ truyền

"Bánh chưng là quốc hồn, quốc túy. Gói bánh, luộc bánh cùng nhau để gắn kết tình yêu thương, để các em có ký ức đẹp về ngày Tết cổ truyền và không quên giá trị văn hóa nơi mình sinh ra", thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) chia sẻ.

Trước khi nghỉ Tết, từ ngày 6 đến 10/2, học sinh ở tất cả cấp học của trường Marie Curie được tham gia lễ hội gói bánh chưng do nhà trường tổ chức.  

Phụ huynh học sinh cũng đến tham gia cùng các con. Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, một phụ huynh cho hay: "Đã lâu lắm rồi nhà tôi không gói bánh chưng. Bàn tay xúc gạo, vuốt lá dong, buộc nút lạt cùng con khiến tôi cảm nhận được Tết thực sự đang về".

Nhiều học sinh cấp 3 tâm sự đây là lần đầu tiên được tự tay gói bánh. Những năm trước, bố mẹ các em toàn mua bánh ở cửa hàng thay vì tự gói.

Học sinh được học từ thao tác đơn giản nhất là cắt lá dong sao cho bằng để khi gói chiếc bánh được vuông vắn, không bị méo đến phân chia tỷ lệ gạo, nhân đỗ, thịt cho đều.

Lá dong được xếp vào khuôn để các em gói cho chiếc bánh được vuông vắn. "Bánh chưng vuông tượng trưng cho đất, bánh giày tròn tượng trưng cho trời. Lá dong, nhân thịt, đỗ đều là những nông sản con người làm ra. Lá bọc ngoài, nhân bên trong tượng trưng cho cha mẹ sinh thành", Phương Thanh, một học sinh lớp 12 nhắc lại sự tích bánh chưng bánh giày.

Từ Phương Anh, học sinh lớp 10G2 cho biết, thao tác khó nhất là phải buộc lạt sao cho vừa tay để bánh không chặt quá dễ bị cứng, khi luộc gạo còn nở ra; cũng không được lỏng tay sẽ làm cho bánh bị nhão.

Các nam sinh cấp 3 thường ngày không thạo công việc bếp núc, làm bánh nhưng cũng nhiệt tình gói bánh chưng. Nhiều học sinh lớp 12 tâm sự, đây là dịp Tết cuối cùng các em được làm bánh ở trong trường trước khi vào đại học.

Bánh gói xong được các em ghi tên cẩn thận và xếp theo vị trí lớp. Mỗi lớp có một thùng luộc bánh và củi riêng do nhà trường chuẩn bị. Cha mẹ học sinh và thầy cô trợ giúp các em trong công đoạn quan trọng này.

Sau khi gói đủ suất bánh chưng, còn thừa gạo thịt, các em gói thêm những chiếc bánh ú nhân thịt. Đây là những chiếc bánh được thưởng thức đầu tiên sau khi vớt ra khỏi nồi.

Bánh gói xong được xếp gọn gàng vào trong nồi to để mang đi luộc. Mỗi lớp là một nồi bánh chưng.

Các phụ huynh thì có cơ hội gặp gỡ bạn bè của con, thầy cô giáo và trò chuyện với phụ huynh cùng lớp. Học sinh trông nồi bánh, còn việc nhóm lửa, thêm nước, trông qua đêm do thầy cô và nhân viên nhà trường đảm nhận.

Nồi bánh chưng khiến bạn bè, cha mẹ - con cái, thầy cô - phụ huynh xích lại gần nhau hơn. Bên bếp lửa, các em vừa trông bánh chưng, vừa cùng nhau đàn hát.

Khi bánh chín, các thầy cô giúp học trò vớt ra, rửa bánh để cho ráo nước. Những chiếc bánh xinh xắn vẫn còn nguyên "mác" sẽ là món quà học sinh mang về tổ ấm của mình.

Sơn Lâm - Hà Bi