Thứ ba, 19/3/2024
Thứ bảy, 30/4/2016, 18:38 (GMT+7)

Giáo viên vùng cao lội suối bắt cá cải thiện bữa ăn

Đi bộ vài cây số đường rừng để bắt cá, hái rau hay lấy mộc nhĩ... là "chuyện như cơm bữa" của hơn 40 nam giáo viên trường Tri Lễ 4, Nghệ An.

Cuối tuần, khi lương thực đưa vào từ đầu tuần và thức ăn dự trữ đã hết, các thầy giáo trường Tiểu học Tri Lễ 4 (Quế Phong, Nghệ An) lại chuẩn bị "đồ nghề" xuống suối bắt cá, vào rừng hái măng, rau... để cải thiện bữa ăn. Những hình ảnh được thầy Nguyễn Hồng Hiệp - giáo viên trường Tri Lễ 4 chia sẻ trên trang cá nhân vào ngày 30/4.

Cá được bắt ở con suối cách trường hơn một km. Trường Tiểu học Tri Lễ 4 không có giáo viên nữ, chỉ có 41 thầy giáo thay nhau "đóng quân" ở 6 điểm trường tương ứng với 6 bản để dạy học sinh.

Dụng cụ bắt cá là những chiếc lưới xúc nhỏ.

Niềm vui của thầy giáo Nguyễn Hồng Hiệp (37 tuổi) có thâm niên 16 năm cắm bản khi bắt được lươn to.

Các thầy thường mua đồ ăn, thực phẩm tươi từ ngoài huyện vào dự trữ cho cả tuần. Thời điểm mưa nhiều, con đường đất hơn 30 km từ trường ra huyện nhão nhoẹt, không đi nổi, các thầy phải tự đi kiếm thực phẩm.
 

Mỗi người mỗi việc, thầy đi bắt cá, thầy lên rừng hái rau. Thầy Lữ Văn Sơn (41 tuổi) có gần 8 năm gắn bó với Tri Lễ 4 thường đi bộ vài km để lấy rau rừng.

Mùa này sáng nắng chiều mưa, nấm, mộc nhĩ mọc nhiều ở thân cây mục sau cơn mưa.  

Biết rõ loại nào không có độc, các thầy mới dám lấy. Cá, nấm, rau rừng có thể duy trì thức ăn từ 1 đến 2 ngày.

Tri Lễ không đường, không điện, không sóng điện thoại, cuộc sống dường như tách biệt với thế giới bên ngoài. Những khó khăn nơi biên giới này nhiều người không tưởng tượng được thì giáo viên nơi đây coi như cơm ăn, nước uống hàng ngày. "Quen rồi nên thấy mọi thứ cũng bình thường", t hầy Hiệp cười nói.Trong 41 thầy giáo thì 40 thầy đã lập gia đình.

Hoàng Phương

Ảnh thầy Nguyễn Hồng Hiệp chia sẻ