Thứ năm, 25/4/2024
Thứ tư, 24/8/2016, 05:00 (GMT+7)

Cuộc sống sinh viên trong ký túc xá ổ chuột ở Nga

Sinh viên sống chung với rệp và gián bên dưới trần nhà bị mưa dột là hình ảnh được ghi lại tại nhiều ký túc xá đại học ở Moscow.

Trong khi ký túc xá ở Mỹ có mức chi phí lên tới 14.000 đôla/năm, ký túc xá ở Nga lại khác hoàn toàn. Phóng viên kiêm nhiếp ảnh gia Pascal Dumont đã ghi lại hình ảnh từ nhiều trường đại học cho tờ The Moscow Times. Obshaga (từ dùng để chỉ ký túc xá ở Nga) không phải là lựa chọn tối ưu, nhưng nhiều sinh viên không còn cách nào khác.

Kudakwashe Ndlovu, sinh viên 25 tuổi theo học Đại học Công nghệ Hóa học Lomonosov Moscow, ở chung với một sinh viên Nga. Ndlovu vào trường theo diện được học bổng và chỉ phải trả 10 đôla/tháng cho căn phòng này. “Giá rẻ, tất nhiên rồi” - anh nói với Dumont. Tuy nhiên, Ndlovu lo lắng những giọt nước rò rỉ từ trần nhà có thể gây chập điện bất cứ lúc nào.

Christopher Onoja (trên) và Issac Ismaila (dưới) đều là sinh viên người Nigeria đến Nga nhờ giành được học bổng. “Thành thật mà nói, tôi không thích bất kỳ điều gì ở đây, các phòng đầy rệp và gián. Chúng tôi đã cố gắng cải thiện bằng bóng đèn và giấy dán tường, tuy nhiên lúc mới đến thì tất cả là một mớ hỗn độn”, Onoja nói.

Theo Dinara Vafina, sinh viên âm nhạc 26 tuổi tại Đại học Sư phạm quốc gia Moscow, cô không có vấn đề gì với bạn cùng phòng nhưng sau này muốn có không gian riêng. Một phòng 3-4 người ở có mức giá khoảng 50 đôla/tháng/người, nếu không phải là sinh viên thuộc diện học bổng.

Yang Zhao, sinh viên 25 tuổi đến từ Bắc Kinh, đã cố gắng tìm một căn hộ để ở khi đến Nga du học. “Tôi đã gọi điện hỏi thuê nhà trong suốt hai tháng, và ngay khi ai đó nhận ra tôi là người Trung Quốc, họ sẽ nói không”.

Tại ký túc xá Đại học Kinh tế, thứ bảy và chủ nhật là ngày dọn dẹp theo quy định. Công việc thường bao gồm lau cửa sổ, sàn nhà, tường, bếp và phòng tắm.

Không phải ký túc xá nào cũng được được trang bị máy giặt. Hầu hết sinh viên giặt quần áo bằng tay.

An ninh ở các ký túc xá rất chặt chẽ. Bảo vệ thường khóa cửa vào 23h đêm và mở cửa vào 5h sáng. Mặc dù có thể vào khi đã quá giờ giới nghiêm, sinh viên thường không hứng thú với điều này.

Quy trình khá phức tạp. Để vào một ký túc xá ở Nga, bạn cần phải đi kèm với một người ở trong ký túc xá, cung cấp hộ chiếu và đăng ký ra vào. Elena Gasyukova, sinh viên 24 tuổi của Đại học Kinh tế cho biết thêm, bảo vệ sẽ đi kiểm tra vào 21h tối hàng ngày. “Họ sẽ hỏi thăm bạn, cho bạn biết cần làm sạch sàn nhà nếu nó bẩn. Nếu họ không thấy bạn trong một thời gian, họ sẽ lưu ý và báo với phụ huynh”.

Zalkar Toktogulov đến từ Kyrgyzstan, 24 tuổi, học về hội họa, đang luyện tập trong phòng thể thao thuộc ký túc xá Học viện Nghệ thuật quốc gia Moscow. “Cuộc sống ở đây rất tốt. Tôi đến phòng tập mỗi ngày dù không phải là võ sĩ chuyên nghiệp”, anh nói với Dumont. 

“Cấm hút thuốc” là biển cấm vô nghĩa trong các ký túc xá ở Nga. Sinh viên luôn tìm được chỗ để hút thuốc mà không bị phát hiện. “Tầng 12 là nơi tốt nhất để hút thuốc”, Manguse đến từ Latvia cho biết.

Nhiếp ảnh gia Dumont phản ánh về cuộc sống ký túc xá của sinh viên Nga: “Mỗi obshaga có một văn hóa độc đáo và các quy tắc riêng, tuy nhiên sinh viên đều phải đối mặt với thử thách biến một nơi chật hẹp, thiếu thốn trở thành ngôi nhà gắn bó trong nhiều năm”.

Phiêu Linh