Thứ ba, 19/3/2024
Thứ hai, 29/8/2016, 19:30 (GMT+7)

10 người nổi tiếng thành công không nhờ kết quả học tập

Ông trùm ngành công nghiệp âm nhạc Simon Cowell hay cựu Bộ trưởng Giáo dục Anh đều không phải là những học sinh xuất sắc khi ngồi trên ghế nhà trường.

Clare Balding là bình luận viên kỳ cựu của đài BBCChanel 4. Chia sẻ với The Independent, bà nhớ lại thời trẻ ương ngạnh khi từng bị đình chỉ học vì tội ăn cắp vặt, không đạt được ước mơ trúng tuyển vào hai trường danh tiếng Oxford và Cambridge (Anh). Sau hai năm, Balding rèn luyện kỹ năng phỏng vấn, quyết tâm thi lại và đã trở thành sinh viên tiếng Anh tại Đại học Cambridge.

Benedict Cumberbatch, nam diễn viên người Anh tốt nghiệp trường Harrow, thừa nhận có khởi đầu thuận lợi, tuy nhiên việc sa đà vào các thú vui như cần sa, phụ nữ khiến anh không đạt được kết quả như kỳ vọng. Mãi cho đến khi lên đại học, Cumberbatch mới xốc lại tinh thần và tập trung cho học tập.

J.K. Rowling, nữ tác giả người Anh nổi tiếng toàn cầu với bộ truyện Harry Potter, không hề học kém, thậm chí từng là Trưởng nữ tại trường trung học, tốt nghiệp với hai điểm A và một điểm B trước khi vào Đại học Exeter. Tuy nhiên, việc Đại học Oxford từ chối Rowling cho thấy việc học tập ở ngôi trường có chất lượng cao hơn chưa chắc đảm bảo cho sự thành công của bạn.

Jeremy Clackson, nhà báo người Anh, người dẫn chương trình Top Gear của BBC - Jeremy Clackson từng bị đuổi khỏi trường Repton do thường gây phiền toái vì uống rượu và hút thuốc. Ông bắt đầu viết cho những ấn phẩm địa phương như Rochdale Observer and Shropshire Star trước khi trở thành một trong những gương mặt nổi bật của truyền hình Anh quốc.

Simon Cowell, giám khảo khó tính của X-Factor, chỉ học hết chương trình O-level (tương đương trình độ lớp 10) trước khi ghi danh tại Windsor Technical College. Bắt đầu bằng một công việc ở phòng văn thư, Cowell trải qua nhiều khó khăn trước khi trở thành ông trùm trong ngành công nghiệp âm nhạc, là giám khảo của nhiều cuộc thi âm nhạc lớn trên sóng truyền hình nước Anh.

Alan Johnson MP, cựu Bộ trưởng Giáo dục Anh, là bằng chứng sống cho việc một người không được hưởng giáo dục như người bình thường vẫn có thể có sự nghiệp chính trị thành công. Trong hồi ký, Johnson mô tả về tuổi thơ bị đánh cắp, mồ côi ở tuổi 12, rời trường học, trình độ học vấn bị hạn chế, hết làm nhân viên siêu thị lại đến làm người đưa thư trước khi bước vào hàng ngũ Công đảng Anh. 

Sarah Millican là một trong những diễn viên hài thành công nhất nước Anh. Sarah thừa nhận đã có tới hai điểm D và một điểm E ở chương trình A-level (kết quả chương trình này là một trong những tiêu chí xét tuyển đại học). Cô từng viết trên Twitter: “Chúc những ai sẽ nhận kết quả thi A-level ngày hôm nay nhiều may mắn. Nhưng nếu bạn không đạt được điểm số như mong đợi, đừng nghĩ thế giới đã sụp đổ. Bạn luôn có cơ hội làm lại”.

Bill Gates, doanh nhân người Mỹ luôn có mặt trong danh sách người giàu nhất thế giới, là hình mẫu của sinh viên bỏ học và khởi nghiệp thành công. Bill Gates đã rời khỏi Đại học Harvard để theo đuổi hoài bão trong lĩnh vực phần mềm máy tính. Năng khiếu của ông được bộc lộ từ khi còn bé, tuy nhiên quyết định bỏ học tại trường đại học hàng đầu thế giới đã cho thấy con đường dẫn đến thành công vốn không quá cứng nhắc như nhiều người lầm tưởng.

Steve Jobs, doanh nhân, nhà sáng chế người Mỹ, là con nuôi của một người thợ máy, do đó với ông chi phí đại học quá xa xỉ. Steve Jobs sớm bỏ học tại Đại học Reed và theo đuổi ước mơ làm một điều gì đó “giao thoa giữa khoa học và nhân văn”. 7 tháng lang thang khắp các ngôi làng ở Ấn Độ hình thành nên những trải nghiệm đặc biệt dẫn đến sự thành công của thiên tài công nghệ này.

Facebook giúp nhiều người biết đến ông trùm mạng xã hội Zuckerberg cũng như tài kinh doanh nổi bật của ông. Tạo ra phần mềm nhằm kết nối mọi người từ khi còn là sinh viên Đại học Harvard, Zukerberg đã quyết định bỏ dở việc học và dành thời gian phát triển ước mơ của mình. Năm 2010, doanh nhân, lập trình viên người Mỹ được tạp chí Time bình chọn là "Nhân vật của năm".

Phiêu Linh
Theo Independent