Thứ năm, 28/3/2024
Thứ ba, 21/4/2015, 15:00 (GMT+7)

Ngôi trường dành cho người Hồi giáo chuyển giới ở Indonesia

Tại trường nội trú của bà Shinta Ratri, người chuyển giới có cơ hội cầu nguyện, sống trong môi trường thoải mái và được là chính mình.

Fulvio Bugani, nhiếp ảnh gia Italy, dành gần ba tuần sống cùng cộng đồng người chuyển giới ở Indonesia để ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống đời thường của họ. Người phụ nữ trong ảnh là bà Shinta Ratri, 53 tuổi. Hiện bà là một trong những nhà hoạt động chuyển giới hàng đầu ở Indonesia. 

Bà Shinta điều hành Pondok Pesantren Waria, một trường nội trú Hồi giáo dành cho người chuyển giới. Tên của trường, Waria, được kết hợp từ hai từ trong tiếng Indonesia là phụ nữ (wanita) và nam giới (pria). Ngôi trường ở thành phố Yogyakarta trên đảo Java này trở thành nhà cho những phụ nữ chuyển giới khắp đất nước bị kỳ thị ở quê nhà.

Trong ảnh, bà Shinta đang cầu nguyện tại buổi gặp thường niên của cộng đồng waria và LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới) tại thành phố Yogyakarta, đảo Java, Indonesia, tháng 8/2014.

"Họ tới Yogyakarta vì biết đến ngôi trường", nhiếp ảnh gia người Italy chia sẻ. "Các waria biết rằng ở đây, họ có thể cầu nguyện và sống như một phụ nữ trong môi trường thân thiện". 

Ảnh chụp bà Shinta tại một cuộc gặp gỡ với những người bạn.

Những tấm ảnh mạnh mẽ của Bugani mô tả cuộc sống đời thường của cộng đồng waria ở trường nội trú. Một trong các bức ảnh của Bugani nhận được giải ba Ảnh báo chí Thế giới thể loại Các vấn đề đương đại. 

Trong ảnh, bà Shinta nói về giới tính và tôn giáo trong cuộc họp của cộng đồng waria và LGBT tại thành phố Yogyakarta. Tại cuộc họp này, những vấn đề về nhân quyền và tôn giáo được đưa ra bàn thảo.

Bà Shinta và chồng chụp ảnh chung trong ngày trọng đại của hai người.

Theo Bugani, có khoảng 10 phụ nữ sống tại trường nội trú và con số này có thể dao động. Ngôi trường của bà Shinta mang tới cho người chuyển giới sự thoải mái và tại đây, họ được cầu nguyện và được là chính mình.

Bà Shinta cùng hai người bạn chuyển giới khác biểu diễn trên sân khấu lễ hội đường phố ở Yogyakarta.

Về thăm nhà ở thành phố Yogyakarta nhưng bà Shinta chỉ dám ngồi ngoài cửa và đợi. Yogyakarta cũng là nơi bà Shinta hiện sống. Người phụ nữ này không được phép vào trong nhà từ năm 16 tuổi. Ngày đó, cậu bé Shinta nói với gia đình rằng mình là một cô gái.

Bà Shinta ôm chầm lấy mẹ khi về thăm bà.

Bà ngồi đợi tới lượt làm tóc. Các waria gặp khó khăn khi xin việc làm. Nhiều waria làm việc trong các ngành giải trí hoặc làm đẹp. Không ít người kiếm sống bằng nghề bán dâm hoặc biểu diễn đường phố. 

Bà Shinta trang điểm tại nhà. "Bà ấy rất tự hào khi là phụ nữ và tín đồ Hồi giáo. Shinta muốn giúp những waria khác cũng giống như bà", nhiếp ảnh gia Bugani nói.

Bình Minh (Ảnh: Fulvio Bugani)