Thứ tư, 24/4/2024
Thứ bảy, 10/9/2016, 00:00 (GMT+7)

Một ngày của bác sĩ làm việc ở độ cao hơn 3.500 m

Bác sĩ làm việc trên cao nguyên Tây Tạng mỗi ngày di chuyển hàng chục cây số đi khám bệnh bằng ôtô, xe máy hoặc ngựa.

Bác sĩ Trát Bảo có mặt trước cửa trung tâm y tế xã đúng 7h, chờ đồng nghiệp Canh Hồng Vệ. Họ có lịch đi khám cho bệnh nhân cách đó hơn 10 km. 

Họ làm việc ở xã Dương Khang, huyện Thiên Tuấn, ven hồ Thanh Hải thuộc khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc, cao 3.650 mét so với mực nước biển.

Các hộ dân ở đây sống biệt lập và cách xa nhau. Trung tâm y tế địa phương chỉ có 5 người và luôn bận rộn đi khám chữa bệnh cho người dân trong xã.

Xe của Trát Bảo mất nửa tiếng để vượt qua sa mạc. Khi tới suối, xe bị kẹt, Canh Hồng Vệ xuống đẩy một hồi nhưng không được. Hai người đành bỏ xe lại rồi đi bộ vào lều dân.

Ở những nơi không thể đi bằng ôtô, họ sẽ phải đi xe máy. Trước khi phòng y tế được trang bị xe 16 chỗ, họ thường cưỡi ngựa đi khám bệnh.

Trát Bảo năm nay 45 tuổi. Từ nhỏ, ông đã theo chú học nghề y ở Tây Tạng và tốt nghiệp Đại học y Tây Tạng. Ông làm việc ở xã Dương Khang đã 10 năm và sống một mình trong khu tập thể phía sau trung tâm y tế. Canh Hồng Vệ là người dân tộc Mông Cổ, đã làm ở đây vài chục năm.

Trát Bảo bắt mạch cho bệnh nhân. Ông lão bị thấp khớp và cao huyết áp, bệnh thường thấy ở đây, do người dân quanh năm nằm ngủ dưới đất ở điều kiện nhiệt độ thấp, không khí loãng.

Bác sĩ Trát sẽ châm cứu, xông ngải trị liệu cho bệnh nhân. Nền y học cổ truyền Tây Tạng có lịch sử 2.000 năm. 

Bác sĩ Trát vo nhỏ lá ngải, đặt vào khớp xương bệnh nhân sau đó châm lửa, thổi hơi để lửa cháy. Khi lửa sắp bén vào da người bệnh, ông Trát nhanh chóng dập lửa. 

Xông ngải xong, người bệnh tiếp tục được châm cứu vào cổ.

"Y học Tây Tạng gồm nội trị và ngoại trị. Nội trị là uống thuốc, thường kết hợp nhiều loại thảo dược với nhau, chủ yếu lấy ở cao nguyên Thanh Tạng. Ngoại trị là châm cứu, chích máu, giác hơi, cầm máu bằng bơ chảy hoặc chữa vết thương bằng bã rượu lúa mì Thanh Khoa (một loại lúa mì của Tây Tạng)", bác sĩ Trát cho biết. 

Ngoài xông ngải và châm cứu, bác sĩ Trát còn giác hơi và kê đơn thuốc cho bệnh nhân. 

Ra khỏi nhà người bệnh đầu tiên, Trát Bảo nhờ hai người dân giúp mình kéo xe khỏi suối rồi tiếp tục tới vài lều khác chữa bệnh tới tối. 

Bác sĩ Trát tạm nghỉ, để đồng nghiệp Canh bắt mạch cho bệnh nhân.

Bác sĩ Trát cùng đồng nghiệp thường về nhà vào 22h30.

Đêm đã khuya, Trát Bảo vẫn tranh thủ đọc sách y. Dù điều kiện làm việc gian khổ, ông vẫn không từ bỏ công việc của mình.

"Tôi đã quen với cuộc sống trên cao nguyên. Nếu ngày nào đó phải rời xa nơi này, tôi thật không nỡ", ông chia sẻ.

Hải Yến (theo QQ)