Thứ ba, 19/3/2024
Thứ năm, 20/7/2017, 13:54 (GMT+7)

Đô vật sumo Nhật đeo mặt nạ oxy khi ngủ

Tập luyện vất vả, ăn hai bữa 8.000 calo một ngày, đeo mặt nạ oxy đi ngủ, là cuộc sống của các đô vật sumo ở Nhật Bản.

Tiếng hô, tiếng da thịt va chạm vang lên trong một sân tập ở thành phố Nagoya, Nhật Bản. 11 đô vật to lớn, trên người chỉ đóng khố đang thay phiên ném đối thủ khỏi vòng tròn cát, theo Reuters.

Các đô vật, hay còn gọi là rikishi, sáng nào cũng tập luyện hơn ba tiếng các thế vật của sumo, môn võ quốc gia Nhật Bản có lịch sử 15 thế kỷ. Cơ sở tập luyện của họ nằm trong một ngôi chùa Phật giáo, là nơi tập luyện tạm thời để chuẩn bị cho giải đấu Sumo Nagoya bắt đầu cuối tuần trước.

Mồ hôi chảy ướt đầu tóc và mặt mũi của một đô vật.

Khi đã theo đuổi nghiệp sumo, đô vật phải ăn uống, ngủ nghỉ, hít thở theo lịch trình cực kỳ nghiêm ngặt. Việc tập luyện kham khổ khiến nhiều thanh niên Nhật Bản không muốn trở thành đô vật sumo. Người nước ngoài, chủ yếu là Mông Cổ, đang dần thay thế người Nhật trong môn võ cổ truyền này.

Đô vật Kaiho nằm bệt xuống sàn đấu trong chùa Ganjoji Yakushido. 

Hai bà cháu tò mò nhìn vào nơi tập luyện của các đô vật sumo.

Đô vật Kyokushuho người Mông Cổ, nay chuyển sang quốc tịch Nhật, đang sửa sang lại đầu tóc sau buổi tập luyện. 

"Bất đồng ngôn ngữ khiến chúng tôi mệt mỏi nhất", Tomozuna Oyakata, nổi tiếng với cái tên Kyokutenho trên đấu trường, võ sĩ Mông Cổ đầu tiên đứng vô địch trên đất Nhật, nói.

"Tôi từng không hiểu tại sao lại bị mắng, cũng không hiểu người ta đang hoan hô mình cái gì", ông nhớ lại.

Tomozuna Oyakata cởi trần, ngồi trước nồi lẩu, bên cạnh là các võ sĩ cùng đoàn đang dùng bữa trưa.

Tomozuna Oyakata là một trong 6 người Mông Cổ đầu tiên trở thành võ sĩ sumo ở Nhật năm 1992. Bây giờ, nhà vô địch sumo một thời này đã nói lưu loát tiếng Nhật, lấy vợ Nhật và bỏ quốc tịch Mông Cổ, nhập quốc tịch Nhật Bản - yêu cầu để trở thành một bậc thầy sumo (oyakata).

Sau khi kết thúc buổi tập sáng lúc 10h30, các đô vật nghỉ xả hơi, ký tên và chụp ảnh, giao lưu với người hâm mộ.

Các bé mẫu giáo bám vào tay đô vật Kainoryu đu người lên cao.

Sau khi gặp gỡ người hâm mộ, các đô vật bắt đầu dùng bữa đầu tiên trong ngày. Một ngày, họ chỉ ăn hai bữa. Bữa trưa do những đô vật mới vào nghề chuẩn bị, gồm chân giò, cá nướng, cá rán, cơm, chanko nabe (lẩu thập cẩm), cung cấp đủ 8.000 calo một ngày cho một người.

Đô vật Kaiho ngồi ăn lẩu.

Ăn xong, họ sẽ ngủ trưa vài tiếng. Trong lúc ngủ, các đô vật thường đeo mặt nạ oxy để tăng cường trao đổi chất.

Đô vật Kainishiki đi lại trên phố. 

Theo ông Tomozuna Oyakata, cuộc sống của các đô vật ngoại quốc đã hoàn toàn hòa nhập với xã hội Nhật Bản. 
"Chúng tôi mặc khố, kimono, đi dép guốc, sống theo quy tắc của xã hội Nhật Bản và quy tắc của sumo", Tomozuna Oyakata nói. "Chỉ có điều khác biệt là chúng tôi sinh ra ở một quốc gia khác".

Hồng Hạnh (Ảnh: Reuters)