Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ sáu, 11/8/2017, 11:08 (GMT+7)

Cuộc sống giữa căng thẳng với Triều Tiên ở Nhật - Hàn

Trong khi chính phủ hai nước láng giềng với Triều Tiên ráo riết tăng cường phòng vệ, cuộc sống sinh hoạt của người dân vẫn diễn ra bình thường.

Chính phủ Nhật Bản vừa chuyển hệ thống tên lửa phòng không hiện đại Patriot PAC-3 vào khuôn viên Bộ Quốc phòng ngay giữa trung tâm thủ đô Tokyo sau khi Triều Tiên đe dọa tấn công đảo Guam, lãnh thổ hải ngoại của Mỹ nằm ở Tây Thái Bình Dương bằng 4 quả tên lửa tầm trung. Bình Nhưỡng tuyên bố những quả tên lửa này sẽ bay qua ba tỉnh của Nhật Bản.

Hệ thống tên lửa phòng không PAC-3 Patriot đặt trong khuôn viên Bộ Quốc Phòng sáng ngày 10/8.

Với hệ thống này, quan chức Nhật Bản cho biết sẽ bắn hạ bất cứ tên lửa nào của Triều Tiên bay ngang qua vùng trời nước này.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết một vụ tấn công bằng tên lửa nhắm vào nước này sẽ phá vỡ các chính sách "chủ động hòa bình" được Tokyo duy trì lâu nay. Theo luật quốc phòng mới có hiệu lực vào năm ngoái, lực lượng phòng vệ Nhật Bản có quyền bảo vệ Mỹ và các quốc gia đồng minh trong trường hợp bị tấn công.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ra lệnh cho các tướng lĩnh chỉ huy quân đội đẩy nhanh công tác chuẩn bị sẵn sàng bảo vệ đất nước trước một cuộc tấn công tên lửa của Triều Tiên. Theo Times, ông Moon đã yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý để Hàn Quốc tăng cường sản xuất tên lửa đạn đạo. Do hiện tại, theo thỏa thuận đã ký với Mỹ, Hàn Quốc chỉ được phép phát triển tên lửa 500 kg. Trước tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Seoul muốn nâng giới hạn lên 1.000 kg.

Trong hình, máy bay A-10 của không quân Mỹ đang cất cánh từ căn cứ Osan ở Pyeongtaek, Hàn Quốc vào sáng ngày 10/8.

Binh lính Hàn Quốc đứng gác tại điểm gần khu vực phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, ở thành phố Paju, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc sáng 10/8. 

Trong khi đó, cuộc sống thường nhật của người dân ở Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn diễn ra bình thường. Trong hình, một người đàn ông đang đứng ngắm mẫu tên lửa Scud-B của Triều Tiên (phải) và bản sao tên lửa của Hàn quốc tại Bảo tàng Tưởng niệm Chiến tranh Triều Tiên ở thủ đô Seoul vào sáng 10/8.

Một người phụ nữ đi bộ ngang qua màn hình cỡ lớn trên đường phố Tokyo, Nhật Bản đang phát đi tin tức về mối đe dọa tấn công tên lửa của Triều Tiên. Một vài công ty sản xuất hầm tránh bom ở Nhật cho biết danh sách chờ mua hàng đang ngày một dài. Còn một công ty sản xuất ở bang Texas, Mỹ cho Bloomberg biết số lượng đơn đặt hàng đã tăng gấp đôi trong những tuần gần đây, và 80% đơn hàng đến từ Nhật Bản. Doanh số bán mặt nạ phòng độc cũng tăng mạnh do người dân Nhật lo sợ về một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học.

Dù lo sợ, người dân hai nước láng giềng của Triều Tiên vẫn tất bật với sinh hoạt thường nhật. Các nhân viên tại một công ty giao dịch ngoại tệ ở Tokyo miệt mài làm việc sáng 10/8. Sau lưng họ là màn hình TV phát đi hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
 

Một nữ du khách đứng nhìn về phía Triều Tiên trên đài quan sát trong khu vực phi quân sự giữa hai miền ở thành phố Paju, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc sáng 10/8.

Học sinh Hàn Quốc hướng điện thoại về phía Triều Tiên để chụp hình khi đứng trên đài quan sát tại khu vực phi quân sự ở thành phố Paju.

Dù khủng hoảng Triều Tiên leo lên nấc thang mới, giới phân tích dự đoán sẽ khó xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiền. Một mặt gia tăng áp lực với Triều Tiên bằng lệnh trừng phạt mới, Washington mặt khác vẫn tỏ tín hiệu sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng.

An Hồng (Ảnh: Reuters, AP)