Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ tư, 21/9/2016, 14:42 (GMT+7)

Bậc thầy môn phái Kung Fu kỳ lạ ở Trung Quốc

Suốt 50 năm qua, võ sư Li Liangui tập luyện không ngừng nghỉ những tư thế phức tạp và đau đớn của súc cốt công, một hình thức võ thuật kỳ lạ không mấy phổ biến tại Trung Quốc.

Theo Reuters, võ sư Li Liangui là một chuyên gia về súc cốt công. Để luyện môn võ này, các học viên thậm chí phải tự làm trật khớp xương mình để đạt được những tư thế khó và kỳ công.

Kung Fu được phân thành hàng trăm môn phái khác nhau, đặc biệt nổi tiếng thế giới sau loạt phim của nam diễn viên Lý Tiểu Long, người đã qua đời năm 1973. Trong đó, ông Li cảm thấy súc cốt công là môn phái hấp dẫn nhất. 

"Súc cốt công hầu như bao gồm mọi thứ, đó là hình thức toàn diện nhất của võ thuật cổ truyền Trung Quốc để tăng cường sức khỏe", ông nói. "Nó bao gồm ném, đánh, đá và vật, rất hoàn hảo. Nếu có thể được truyền lại cho các thế hệ tương lai, nó sẽ là môn võ tốt nhất, nhưng biết truyền lại nó cho ai?".

Bậc thầy Kung Fu 70 tuổi, với dáng vóc mảnh dẻ, bộ râu dài bạc trắng, đã đi khắp thế giới để quảng bá súc cốt công. Ông từng biểu diễn trước hoàng gia Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc.

Tuy nhiên, những nỗ lực truyền bá súc cốt công không thành công như ông mong muốn.

"Khi tôi từ giã cõi đời, môn võ này sẽ hoàn toàn thất truyền. Sẽ không còn ai biểu diễn nó. Đây thực sự là một niềm hối tiếc, mất mát, tuyệt vọng", ông Li nói.

Ông Li cho biết môn võ này chỉ được đánh giá cao ở nước ngoài. "Chúng tôi đã thể hiện, phát huy ở ngoại quốc, nhưng hoa nở trong nhà mà hương lại chỉ bay ra ngoài", ông nói.

Đối với nhiều người, võ thuật là một hình thức tự vệ hoặc một cách để giữ dáng, nhưng đối với ông Li, võ thuật là một lẽ sống.

Ông Li di chuyển đầu trong khoảng không mà hai bàn tay tạo nên khi luyện súc cốt công tại nhà.

Ông Li cũng đam mê thư pháp. 

Xing Xi, một bậc thầy môn phái Thiếu lâm có 10 năm nghiên cứu và mở học viện võ thuật ở ngoại ô Bắc Kinh, cảm thấy thanh niên Trung Quốc hiện nay thiếu sự tận tâm như các thế hệ trước.

"Nhiều bạn trẻ có năng khiếu Kung Fu nhưng những gì chúng ta cần là những người có thể coi đây là lẽ sống, để từ một sở thích, Kung Fu trở thành một phần của cơ thể, một phần của cuộc sống", ông nói. 
Xem thêm: Màn đấu múa quyền gây cười trên mạng xã hội Trung Quốc

Thảo Phan (Ảnh: Reuters)