Chủ nhật, 24/11/2024
Thứ hai, 28/3/2016, 16:02 (GMT+7)

Những hiện tượng khoa học chưa có lời giải đáp

Giác quan thứ sáu, vật thể bay không xác định (UFO), ảo giác cận tử nằm trong số những bí ẩn mà khoa học chưa thể lý giải.

Theo Live Science, nhiều người dân và du khách ở thành phố nhỏ Taos, New Mexico, Mỹ, nhiều năm nay rất khó chịu và bối rối bởi tiếng kêu vo ve bí ẩn, xuất hiện trong bầu không khí sa mạc. Tuy nhiên chỉ có 2% người dân Taos báo cáo nghe thấy âm thanh có tần số thấp này.

Nhiều người tin tiếng ồn được tạo ra bởi tiếng vang bất thường, hoặc do con người cố ý tạo ra để thực hiện mục đích xấu nào đó. Đến nay vẫn không ai biết tiếng vo ve này có nguồn gốc từ đâu. Ảnh: Bobak Ha'Eri.

Trong nhiều thập kỷ qua, các nhân chứng trên khắp nước Mỹ khẳng định nhìn thấy Bigfoot, con quái vật lớn, mình đầy lông lá, mang hình dáng giống con người. Nhưng xác chết do bị săn bắn, xe đâm hoặc theo nguyên nhân tự nhiên của sinh vật này chưa từng được tìm thấy. Các nhà khoa học có lẽ không bao giờ chứng minh được những sinh vật như Bigfoot hay quái vật hồ Loch Ness có thực sự tồn tại hay không. Ảnh: Live Science.

Trực giác của con người còn được gọi là "linh cảm" hay "giác quan thứ sáu". Trực giác giúp chúng ta cảm thấy những điều không bình thường từ một người hoặc sự việc nào đó, nhưng không giải thích được. Những cảm giác này có thể đúng hoặc sai.

Các nhà tâm lý học cho rằng, tiềm thức con người ghi nhận thông tin về thế giới xung quanh, khiến chúng ta dường như cảm nhận hay nhận biết về chúng mà không rõ nguyên nhân. Trong nhiều trường hợp, trực giác rất khó để nghiên cứu và chứng minh. Ảnh: Kai Clifford.

Năm 1872, các thủy thủ trên con tàu Marie Celeste biến mất trên biển Đại Tây Dương mà không để lại bất cứ dấu vết nào. Cảnh sát và khoa học pháp y vẫn chưa thể tìm ra manh mối về họ. Ảnh: Benjamin Haas/Dreamstime.

"Deja vu" là cụm từ tiếng Pháp mang nghĩa "đã nhìn thấy". Deja vu là một cảm giác khó hiểu, bí ẩn về những sự kiện hay hình ảnh mà chúng ta cho rằng từng trải qua hay nhìn thấy trước đây. Ví dụ, một người phụ nữ bước chân vào ngôi nhà chưa bao giờ đặt chân đến, nhưng cảm thấy khung cảnh rất quen thuộc.

Một số người tin Deja vu liên quan đến những trải nghiệm tâm linh hoặc là cái nhìn thoáng qua về cuộc sống trong kiếp trước. Nguyên nhân và bản chất của hiện tượng này vẫn còn là bí ẩn đối với khoa học hiện đại. Ảnh: Dreamstime.

Các nhân chứng ở khắp nơi trên thế giới báo cáo nhìn thấy, hoặc quay phim được những vật thể bay không xác định (UFO) trên bầu trời. Đa số UFO là những máy bay, đám mây có hình dáng kỳ lạ, trò đùa cố ý của con người, sét hòn hoặc thiên thạch. Tuy nhiên, một số trường hợp khiến khoa học không thể lý giải và nhiều người tin đó là đĩa bay của người ngoài hành tinh. Ảnh: Express.co.uk.

Những người trải qua kinh nghiệm cận tử thường tiết lộ nhiều điều huyền bí, chẳng hạn như đi vào một đường hầm sáng kỳ lạ, đoàn tụ với người thân và có cảm giác bình yên. Một số người cho rằng trải nghiệm cận tử là ảo giác tự nhiên, xảy ra do khi não bị tổn thương. Nhưng một số khác tin tưởng đây là các bằng chứng cho sự tồn tại của thế giới bên kia. Ảnh: Dreamstime.

Nhiều người tin vào sự tồn tại của sức mạnh tâm linh và nhận thức ngoại cảm (ESP). Trực giác là một dạng của sức mạnh tâm linh, giúp tiếp nhận những luồng thông tin bí mật và đặc biệt về thế giới hoặc tương lai.

Các nhà khoa học tiến hành kiểm tra những người tự cho mình có khả năng ngoại cảm, nhưng kết qủa nghiên cứu thường khá mơ hồ và tiêu cực. Một số người cho rằng sức mạnh tâm linh hay khả năng ngoại cảm là điều không thể kiểm nghiệm, vì vậy khoa học không bao giờ chứng minh được sự tồn tại của chúng. Ảnh: Null.

Y học chỉ mới bắt đầu hiểu được cách thức tâm trí ảnh hưởng đến cơ thể. Hiệu ứng giả dược (phương pháp trị liệu ảo, trong đó bệnh nhân được uống thuốc giả) cho thấy, con người có thể tự làm giảm triệu chứng bệnh hay đau đớn bằng việc tin vào hiệu quả trị liệu, bất kể việc trị liệu có thực sự hiệu quả hay không. Khả năng tự chữa lành bệnh của cơ thể gây kinh ngạc cho các nhà khoa học hơn bất kỳ thành tựu nào mà y học hiện đại tạo ra. Ảnh: Live Science.

Lê Hùng