-
Cho em hỏi, em mang bầu tháng thứ 7, nhưng có một số biểu hiện khiến em lo lắng về khả năng sinh sớm. Xin bác sĩ tư vấn cách thức, chế độ ăn để giữ được thai nhi trong bụng theo đúng số ngày, tháng. Xin cảm ơn
(Hải Anh, 35 tuổi, HÀ Nội)Bác sĩ Tạ Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa Phụ ngoại, bệnh Viện Hùng Vương :
Chào em!
Em nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước trong ngày (trên 2 lít), giữ chế độ làm việc - nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, lo lắng và nên khám thai đều đặn theo lịch hẹn của bác sĩ. Ngoài ra, em cũng nên đến khám khi có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường của thai kỳ như: thai máy ít, tử cung gò cứng, có ra dịch bất thường ở âm đạo...
Toàn cảnh buổi tư vấn trực tuyến chiều 21/10.
-
Những nguyên nhân gây sinh non?
(luu hoang lan, 34 tuổi)Bác sĩ Tạ Thị Thanh Thủy :
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng sinh non. Giới chuyên môn xếp 3 nhóm phụ nữ có nguy cơ sinh non gồm:
- Nhóm thứ nhất là nguy cơ do thai như: có nhiều hơn một thai (đa thai), thai quá lớn hoặc nước ối quá nhiều... làm cho tử cung căng to quá mức dễ dẫn tới chuyển dạ sớm.
- Nhóm thứ hai gồm: bất thường của tử cung (u xơ tử cung to, hở eo tử cung), nhiễm trùng đường tiểu, bệnh mãn tính của thai phụ (cao huyết áp, tiểu đường...), thai phụ nhẹ cân hoặc thừa cân khi mang thai, bệnh nhiễm trùng toàn thân gây sốt cao hoặc có phẫu thuật vùng bụng trong thời gian mang thai...
- Nhóm thứ ba gồm những nguy cơ do thói quen như: không đi khám thai đều đặn, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia trong thời gian mang thai hoặc tự ý dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ...
-
Tôi có sinh một bé gái năm tôi 29 tuổi, sinh lúc bé được 36 tuần, sinh mổ.
(Hà Thị Vân Anh, 35 tuổi, 30 Cao Văn Lầu P1Q6)
Năm nay tôi 35 tuổi và có thai một bé trai, đi khám tại bệnh viện Hùng Vương kết quả bình thường (đã làm tất cả các xét nghiệm, chích ngừa, siêu âm 4 chiều và chọc ối vì tuổi 35) nhưng lúc 26 tuần 3 ngày thì tôi bị đau bụng dữ dội và sinh non (chọc ối và sinh thường), bé được 1000g, sau 24 giờ thì bé mất.
- Cho tôi hỏi nguyên nhân tôi bị sinh non? Dù rằng trong thời gian khám thai tôi có nói cho bác sĩ biết là tôi đã sinh đứa đầu lúc 36 tuần nhưng bác sĩ nói con so sinh như vậy là bình thường.
- Tôi muốn có thai lại thì cần khám ở đâu trước và trong thời gian mang thai? Tôi rất sợ con bị sinh non. Mong bác sĩ cho lời khuyên.Bác sĩ Tạ Thị Thanh Thủy :
Thông tin em cung cấp rất khó để bác sĩ xác định nguyên nhân gây sinh non. Em nên đi khám ở bệnh viện chuyên khoa sản và cần cung cấp dữ kiện đầy đủ cho bác sĩ để tìm nguyên nhân điều trị và phòng ngừa sinh non ở lần mang thai sau.
Bác sĩ Tạ Thị Thanh Thủy
-
Em đang có thai tuần 31 nhưng tình trạng của em là bị vách ngăn tử cung 5,5mm và nhân xơ nhỏ. Siêu âm thai phát triển bình thường và mẹ cũng rất khoẻ mạnh. Nhưng em nghe nói là bị vách ngăn thường sinh non và đẻ mổ do thai lớn thì tử cung sẽ chật chội, em bé khó di chuyển trong bụng mẹ. Trường hợp của em nếu về quê sinh bằng máy bay tuần 32 thì có ảnh hưởng gì đến thai nhi không? Và em phải làm gì để hạn chế sinh non khi bị vách ngăn như vậy? Dấu hiệu để biết săp sinh? Em xin chân thành cảm ơn!
(Võ Linh, 28 tuổi)Bác sĩ Tạ Thị Thanh Thủy :
Nhân xơ nhỏ ở tử cung thường không gây sinh non. Vách ngăn tử cung tùy mức độ nhiều hay ít có thể dẫn tới việc sinh non. Để xác định em có nguy cơ sinh non hay không thì cần theo dõi thai tại phòng khám chuyên khoa sản có uy tín. Trong quá trình theo dõi, bác sĩ sẽ tiên lượng được nguy cơ sinh non nhiều hay ít, đồng thời sẽ có những biện pháp điều trị thích hợp nhằm kéo dài hơn thời gian thai nhi nằm trong bụng mẹ. Trong trường hợp có dọa sinh non do vách ngăn tử cung, em không nên đi máy bay sau tuần thứ 32 vì có nguy cơ sinh trên đường đi.
Sinh mổ hay sinh thường tùy chỉ định của bác sĩ theo từng trường hợp cụ thể, chứ không phải vách ngăn tử cung là bắt buộc phải sinh mổ.
Dấu hiệu sắp sinh thường gặp là: có cơn đau tử cung đều đặn ít nhất mỗi 10 phút và có ra dịch âm đạo (dịch nhầy màu hồng), hoặc ra nước âm đạo lượng nhiều...
Bác sĩ Tạ Thị Thanh Thủy
-
Chào bác sĩ,
(dtdt, 28 tuổi)
Em kết hôn được khoảng 2 năm và đã có một lần sảy thai sớm (4 tuần), một lần lưu (8 tuần không có tim thai). Em đã làm xét nghiệm Rubella, CMV và Toxoplasma, kết quả em đều có kháng thể với 3 loại virus này.
Sau đó em có thai lần 3, khi thai được khoảng 6 tuần, em bị động thai bóc tách 10% và đã nghỉ ngơi tại giường khoảng gần một tháng thì bác sĩ nói ổn. Đến tuần thứ 14, em phát hiện bụng bị gò nhiều và ra máu. Em nhập viện Hùng Vương. Tại đây các bác sĩ đã cho em dùng nhièu loại thuốc nhưng vẫn không bớt. Cuối cùng em sinh non khi cổ tử cung mở và thai được 25 tuần 3 ngày. Trong quá trình điều trị, các lần siêu âm và xét nghiệm, cấy máu và nước tiểu cho thấy em có cổ tử cung dài (dao động từ 39 đến 47mm), nhau thai bám đáy, không bị nhiễm trùng máu và nước tiểu, âm đạo bị viêm nhẹ, thai phát triển bình thường (dựa vào siêu âm tiêu chuẩn và 4D).
Em sinh được 1 tháng rồi và vợ chồng rất buồn vì không giữ được con cũng như không biết nguyên nhân gây gò và sinh non.
Vợ chồng em đều là công nhân viên nhà nước, môi trường làm việc không độc hại. Chồng không hút thuốc và thỉnh thoảng mới uống một chút bia. Em nghỉ ngơi nhiều mỗi lần mang thai.
Chúng em rất muốn có con, nhưng không biết nên thăm khám như thế nào để có được một thai kỳ an toàn và khi nào thì nên có thai lại, lần có thai tới chúng em nên làm gì.
Mong được bác sĩ tư vấn.
cảm ơn bác sĩ rất nhiều.Bác sĩ Tạ Thị Thanh Thủy :
Nguyên nhân sẩy thai trong 3 tháng đầu đa số do bất thường của phôi (do trứng người vợ, hoặc tinh trùng người chồng, hoặc cả hai không tốt). Trong khi đó, nguyên nhân sẩy thai ở những tháng tiếp theo thường do bất thường của tử cung như: hở eo tử cung, có nhân xơ tử cung to hoặc hình dạng tử cung bất thường.
Trường hợp em bị 2 lần sẩy thai trong 3 tháng đầu và một lần sẩy thai ở tuần 25, như vậy, nguyên nhân dẫn tới sẩy thai của em rất phức tạp. Em cần được khám và điều trị ở trung tâm hoặc bệnh viện chuyên điều trị "sẩy thai liên tiếp". Trong trường hợp này, cả hai vợ chồng sẽ được kiểm tra toàn diện về cấu trúc nhiễm sắc thể, tình trạng nội tiết, nhóm máu, những bất tương hợp giữa trứng và tinh trùng. Đồng thời, việc thăm khám phụ khoa sẽ giúp phát hiện có bất thường cấu trúc hoặc hình dạng của tử cung đi kèm hay không. Khi xác định được nguyên nhân cụ thể, các bác sĩ sẽ có phương án giúp em có thai và giữ thai đến đủ tháng.
Cũng có trường hợp dù được khảo sát đầy đủ nhưng không tìm được nguyên nhân. Em vẫn có hy vọng mang thai và giữ đến đủ ngày tháng nếu em được theo dõi và điều trị đầy đủ tại cơ sở chuyên khoa từ lúc trước và trong thời gian mang thai.
Viêm nhiễm âm đạo cũng là một trong những nguyên nhân gây sinh non hoặc sẩy thai. Vì vậy, em cần được điều trị hoàn toàn trước khi quyết định mang thai lại.
-
Thưa cô! Con mới lập gia đình khoảng 6 tháng, con tính có con, nhưng giai đoạn mới thụ thai rất hay dễ sẩy thai, sức khỏe con không được tốt cho lắm. Lúc nào con cũng thấy mệt, lại bị cao huyết áp, con đang điều trị cao huyết áp. Cô có cách nào chỉ con để con phòng tránh tình huống sẩy thai ạ!
(Thúy, 32 tuổi, 56/8 đội cung)
Con cảm ơn cô!Bác sĩ Tạ Thị Thanh Thủy :
Chào con!
Con nên điều trị bệnh huyết áp cho thật ổn định và chỉ nên mang thai khi được sự đồng ý của bác sĩ điều trị. Đồng thời con nên đi khám phụ khoa để kiểm tra tình trạng tử cung và buồng trứng, xác định những khiếm khuyết (nếu có) để điều trị trước khi quyết định mang thai.
-
Em đã sinh mổ 1 cháu được khoảng 1 năm thì có thai tiếp và bị lưu. Em bị đa nhân tuyến giáp nhưng các chỉ số nội tiết bình thường. Hiện giờ em đang muốn có thai tiếp thì nên làm những xét nghiệm, chuẩn bị sức khoẻ như thế nào để không bị ảnh hưởng tới lần mang thai tiếp theo này. Em cám ơn rất nhiều
(Hồng Liên, 35 tuổi)Bác sĩ Tạ Thị Thanh Thủy :
Do em không nói thai bị lưu ở thời điểm nào của thai kỳ nên tôi rất khó đoán được nguyên nhân dẫn tới tình trạng thai lưu của em. Một trong những nguyên nhân thường thấy là có thể do hai lần có thai gần nhau quá (sau sinh mổ được khuyên có thai lại sau 2 năm). Tùy theo nguyên nhân bị thai lưu của em mà bác sĩ có thể tiên liệu và có biện pháp phòng ngừa để không lặp lại tình trạng này. Vì vậy, em nên đến khám và tư vấn tại một cơ sở chuyên khoa sản uy tín, trước khi quyết định mang thai lần tiếp theo.
-
Thưa bác sĩ,
(bạch thị hằng, 26 tuổi)
Cháu đi khám thai thì được chẩn đoán là nhau bám qua lỗ trong cổ tử cung. Hiện thai được 13 tuần. Vậy điều này nguy hiểm như thế nào? Và cháu cần chú ý những gì để có một thai kỳ khỏe mạnh ạ? Cháu cảm ơn bác sĩ!Bác sĩ Tạ Thị Thanh Thủy :
Nhau bám qua lỗ trong tử cung ở thai 13 tuần không có nhiều nguy hiểm. Khi thai lớn dần, diện tích tử cung tăng lên thì nhau sẽ được kéo dần về phía đáy. Chỉ trong trường hợp thai quá 28 tuần nhưng nhau vẫn còn nằm tiếp cận lỗ trong tử cung thì được gọi là nhau bám thấp. Trường hợp này, cháu nên được khám và theo dõi ở một trung tâm - bệnh viện sản khoa lớn để có thể theo dõi sát và kịp thời điều trị khi có sự cố bất thường xảy ra.
Để có thai kỳ khỏe mạnh, cháu cần được ăn đủ chất, uống đủ nước trong ngày (hơn 2 lít), có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh những xúc động mạnh hoặc căng thẳng. Đồng thời, cháu nên đi khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.
-
Thưa bác sĩ, em đang mang thai tuần thứ 31, đi siêu âm bác sĩ kết luận là dư ối với chỉ số là 18, sau đó em có thực hiện các xét nghiệm tiểu đường, siêu âm 4D để kiểm tra lại dị tật của thai nhi nhưng không phát hiện có gì bất thường. Em được biết dư ối thường dẫn đến sinh non, vậy cho em hỏi làm sao để khắc phục tình trạng dư ối? Việc dư ối có dẫn đến đa ối? Em cảm ơn bác sĩ
(Anna, 32 tuổi)Bác sĩ Tạ Thị Thanh Thủy :
Nguyên nhân dư ối có thể do thai to hoặc có thể không có nguyên nhân rõ ràng. Dư ối thường không gây nguy hiểm hoặc gây sinh non. Trong trường hợp đa ối, bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân có liên quan đến dị tật thai hoặc viêm màng ối hay không. Trong trường hợp đa ối không tìm được nguyên nhân rõ ràng, thông thường bác sĩ sẽ theo dõi sát nguy cơ sinh non do tử cung căng giãn quá mức. Nếu phát hiện triệu chứng dọa sinh non, bác sĩ sẽ giúp em phòng ngừa sinh non bằng các loại thuốc giảm co tử cung khác nhau. Lưu ý đa ối hoặc dư ối không phải là lý do để hạn chế uống nước, vì vậy em nên chú ý uống đủ lượng nước trong ngày để bảo đảm cơ thể được cung cấp đầy đủ lượng nước cần thiết cho mẹ và con.
-
Chị gái em có tiền sử thiếu máu bẩm sinh thể nhẹ (không có biểu hiện bên ngoài, chồng chị khỏe mạnh, không thiếu máu), hiện tại đang mang thai ở tuần 28, qua khám thai định kỳ lần mới nhất có kết quả là: nhau bám thấp, em bé suy dinh dưỡng. Cả nhà đang rất lo lắng, xin bác sĩ tư vấn về chế độ dinh dưỡng và theo dõi thai nhi tốt nhất trong thời gian còn lại của thai kỳ để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé.
(hạnh nhung, 26 tuổi, long an)Bác sĩ Tạ Thị Thanh Thủy :
Thiếu máu bẩm sinh là một trong những yếu tố dẫn tới thai chậm tăng trưởng và nếu có nhau bám thấp đi kèm xuất huyết âm đạo sẽ làm nặng thêm tình trạng thiếu máu của thai phụ. Đây là những yếu tố có khả năng gây sinh non và đe dọa tình trạng sức khỏe của thai trong bụng mẹ.
Em nên khám thai định kỳ đều đặn ở các trung tâm hoặc bệnh viện sản khoa lớn để bác sĩ có thể theo dõi sát tình trạng sức khỏe của bé và có biện pháp điều trị hỗ trợ như: bổ sung thuốc bổ máu, tư vấn dinh dưỡng... Nếu em có những dấu hiệu dọa sinh non hoặc có diễn tiến không tốt cho thai (thai suy trong bụng mẹ) thì bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp.